Trình bày suy nghĩ của mình về cái chết của nhân vật Bê-li-cốp trong truyện ngắn Người trong bao
Trình bày suy nghĩ của mình về cái chết của nhân vật Bê-li-cốp trong truyện ngắn Người trong bao
Bài làm
“Người trong bao” là một trong những truyện ngắn đặc sắc nhất trong sự nghiệp sáng tác của đại văn hào người Nga Sê-khốp. Trong truyện, Sê-khốp đã xây dựng thành công hình “chiếc bao” – biểu tượng cho một lối sống, kiểu người tiêu cực từng tồn tại ở xã hội Nga đương thời. Bê-li-cốp là nhân vật trung tâm, chủ nhân của những chiếc bao đồng thời là nhân vật được Sê-khốp xây dựng để truyền tải những quan niệm, tư tưởng nhân văn sâu sắc.
Cả cuộc đời của mình, Bê-li-cốp luôn sống trong những nỗi sợ hãi, tự ngăn cách mình với thế giới bên ngoài vì những nỗi sợ vô hình. Để đến cuối cùng, đến khi chết đi Bê-li-cốp mới có thể cảm thấy hạnh phúc, thỏa mãn vì đã hoàn toàn cách li được với cuộc sống đầy rẫy những điều khiến hắn ta sợ hãi để sống trong chiếc bao ( chiếc quan tài) an toàn, vững chãi nhất của cuộc đời mình. Cái chết của Bê-li-cốp cuối tác phẩm không chỉ là tình tiết quan trọng giúp phát triển và kết thúc tác phẩm mà còn chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc.
Cái chết của Bê-li-cốp do bị Kô- va-len-cô đẩy ngã từ cầu thang, lần ngã này đã khiến hắn bị thương, tuy không quá nguy kịch nhưng hắn lại không chịu chạy chữa mà chỉ nằm mãi ở trong phòng. Tuy nhiên, nghiêm trọng hơn vết thương về thể xác, Bê-li-cốp đã phải trải qua cú sốc khủng khiếp về tinh thần. Vốn là con người nhu nhược, sợ hãi cuộc sống, sợ hãi những điều tiếng và coi trọng danh dự một cách cực đoan nên tiếng cười như phá lên của Va-ren-ca chính là điều kinh khủng nhất với hắn.
Tiếng cười vốn bình thường khi chứng kiến cảnh Bê-li-cốp ngã lộn từ cầu thang xuống nhưng đối với con người như Bê-li-cốp thì đó chính là đả kích khủng khiếp để cuối cùng hắn ta chết đi trong sự bế tắc do chính mình tạo dựng. Khi chết đi, Bê-li-cốp được nằm trong quan tài, khuôn mặt của hắn bỗng trở nên tươi tắn, hạnh phúc. Dường như hắn ta rất thỏa mãn với chiếc bao vững chắc cuối cùng của cuộc đời mình, chiếc bao ấy có thể bao bọc, tách biệt hoàn toàn cho hắn khỏi những tác động của cuộc sống. Cái chết của bê-li-cốp có phần kì lạ, gây bất ngờ cho mọi người xung quanh cũng như độc giả khi theo dõi câu chuyện, tuy nhiên cái chết ấy đối với một người kì quặc, khác người như Bê-li-cốp lại là điều dễ hiểu.
Cái chết của Bê-li-cốp là điều tất yếu sau những bế tắc, tuyệt vọng, bất mãn của hắn đối với cuộc sống xung quanh. Cuộc sống của hắn đầy rãy những sợ hãi, hắn luôn trong trạng thái cảnh giác trong chính ngôi nhà của mình, cuộc sống luôn hoài nghi, sợ hãi như vậy chẳng phải quá mệt mỏi hay sao? Do đó, cái chết của Bê-li-cốp trước hết là sự giải thoát cho hắn khỏi những bi kịch. Cái chết là điều mất mát, là kết thúc buồn nhất cho cuộc đời mỗi người nhưng đối với Bê-li-cốp thì cái chết ấy lại nhẹ nhàng hơn cả, vì cuối cùng hắn ta cũng tìm thấy cái bao đích thực, nơi có thể khiến hắn buông bỏ những đề phòng, hoài nghi để thoải mái, tươi tỉnh hơn.
Cái chết của bê-li-cốp còn là kết thúc tất yếu cho kiểu người, cho lối sống trong bao đầy tiêu cực. Lối sống ấy không thể tồn tại trong xã hội hiện đại bởi nó dị biệt và kìm hãm sự phát triển của xã hội, đánh mất đi ý nghĩa cuộc sống của con người. Lựa chọn cái kết như vậy, tác giả Sê-khốp đã thể hiện thái độ quyết liệt trong việc loại trừ lối sống tiêu cực, gò bó, kìm hãm sự phát triển của con người để hướng con người đến cuộc sống tự do, hạnh phúc.
Như vậy, qua cái chết của Bê-li-cốp, nhà văn Sê-khốp đã thể hiện được những quan điểm sâu sắc về cuộc sống đích thực của con người. Cuộc sống là nơi con người có thể tự do phát triển, để cảm nhận những hạnh phúc, vang vọng, nếu con người mãi thu mình trong vỏ ốc thì họ mãi mãi không vượt ra khỏi nỗi sợ của mình để sống cuộc sống thực sự của con người.