Tìm hiểu đầy đủ truyện ngắn “Rừng xà nu”(Nguyễn Trung Thành)


Tìm hiểu đầy đủ truyện ngắn “Rừng xà nu”(Nguyễn Trung Thành)

Hướng dẫn

Nội dung:

RỪNG XÀ NU

– Nguyễn Trung Thành –

I/. TÌM HIỂU CHUNG:

1. Tác giả:

– Nguyễn Trung Thành tên thật là Nguyễn Văn Báu. Ông sinh năm 1932, quê ở Quảng Nam.

– Ông có hai bút danh là Nguyên Ngọc và Nguyễn Trung Thành.

Ông là nhà văn quân đội, gắn bó sâu sắc với Tây Nguyên ở cả hai thời kì chống Pháp và Mỹ ⇒ viết thành công về đề tài Tây Nguyên.

Tác phẩm của ông mang đậm tính sử thi hào hùng và vẻ đẹp trữ tình lãng mạn.

– Năm 1950, ông vào bộ đội, sau đó làm phóng viên báo quân đội nhân dân liên khu V. Năm 1962, ông tình nguyện trở về chiến trường miền Nam.

– Năm 2000, ông được tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

– Tác phẩm: Đất nước đứng lên, Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc; Đất Quảng;…

2. Tác phẩm:

* Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác:

+ Xuất xứ: Rừng xà nu (1965) ra mắt lần đầu tiên trên Tạp chí văn nghệ quân giải phóng miền Trung Trung bộ (số 2- 1965), sau đó được in trong tập Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc(1969)..

+ Hoàn cảnh ra đời:

– Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết, đất nước chia làm hai miền. Kẻ thù phá hoại hiệp định, khủng bố, thảm sát. Cách mạng rơi vào thời kì đen tối.

– Đầu năm 1965, Mĩ đổ quân vào miền Nam và tiến hành đánh phá ác liệt ra miền Bắc.

Rừng xà nu được viết vào đúng thời điểm cả nước sục sôi đánh Mĩ, được hoàn thành ở khu căn cứ chiến trường miền Trung Trung bộ. Rừng xà nu mang đậm chất sử thi, viết về những vấn đề trọng đại của dân tộc; nhân vật trung tâm mang những phẩm chất chung tiêu biểu cho cộng đồng..

* Ý nghĩa nhan đề:

Rừng xà nu là linh hồn của tác phẩm, cảm hứng chủ đạo và dụng ý nghệ thuật của nhà văn được khơi nguồn từ hình ảnh này. Mang cả ý nghĩa tả thực và ý nghĩa tượng trưng.

– Cây xà nu gắn bó mật thiết với cuộc sống vật chất và tinh thần của dân làng Xô Man.

– Cây xà nu là biểu tượng cho phẩm chất cao đẹp của con người Tây Nguyên: kiên cường bất khuất.

⇒ Nhan đề “Rừng xà nu” gợi lên vẻ đẹp hùng tráng, sức sống bất diệt của cây và tinh thần bất khuất của con người Tây Nguyên trong công cuộc kháng chiến chống Mĩ.

* Tóm tắt

Rừng xà nu trong tầm đại bác cuả giặc. Nơi ấy có những người dân Xô Man thuộc bộ tộc Strá bị tàn sát đau thương.

Sau ba năm đi lực lượng, Tnú về thăm làng, được dân làng đón tiếp như đứa con đi xa trở về. Trong buổi họp mặt, cụ Mết đã kể cho dân làng nghe về cuộc đời hoạt động của Tnú.

Tnú mồ côi từ nhỏ lớn lên trong sự đùm bọc thương yêu của dân làng Xô Man.Từ nhỏ Tnú đã cùng với Mai đi làm liên lạc cho cán bộ cách mạng là anh Quyết ở trong rừng. Một lần, đang làm nhiệm vụ, bị giặc phát hiện, Tnú nhanh trí nuốt lá thư vào bụng và dù bị tra tấn dã man, Tnú vẫn không khai. Ba năm sau, Tnú vượt ngục trở về, thay anh Quyết lãnh đạo dân làng chống giặc. Lúc này, Tnú và Mai đã trở thành vợ chồng. Mỹ – Diệm bao vây làng, quyết bắt cho được Tnú. Không bắt được Tnú, chúng bắt mẹ con Mai tra tấn dã man. Chứng kiến cảnh đó, quá đau lòng, Tnú xông vào giữa bọn lính che chở cho mẹ con Mai. Vợ con chết, anh bị bắt, chúng đốt mười đầu ngón tay anh bằng giẻ tẩm nhựa xà nu nhưng anh vẫn giữ vững tinh thần.

Cụ Mết dẫn đám thanh niên ở rừng về cứu Tnú và giết hết bọn giặc. Dù mỗi ngón tay chỉ còn hai đốt, Tnú vẫn tham gia lực lượng giải phóng quân chiến đấu bảo vệ quê hương.Anh được phép chỉ huy cho về thăm làng một đêm. Sáng hôm sau cụ Mết, Dít – em gái Mai – đã tiễn Tnú lên đường trước cánh rừng xà nu bạt ngàn nối tiếp nhau chạy dài tới chân trời.

II/. ĐỌC HIỂU VĂN BẢN:

1. Hình tượng cây xà nu − rừng xà nu:

Đây là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo của nhà văn. Hình tượng cây xà nu – rừng xà nu nổi bật, xuyên suốt tác phẩm, vừa mang ý nghĩa tả thực, vừa mang ý nghĩa tượng trưng.

Xem thêm:  Ôn tập luyện thi văn bản: “Kiều ở lầu Ngưng Bích” (trích truyện Kiều của Nguyễn Du) – Luyện thi tuyển sinh 10

a. Cây xà nu mang ý nghĩa tả thực:

Là loài cây có vẻ đẹp rất riêng: Dưới ngòi bút của Nguyễn Trung Thành, rừng xà nu hiện lên thật ấn tượng với những đường nét, hình khối, màu sắc và hương vị đặc biệt: là loài cây “ham ánh nắng mặt trời, thân mọc thẳng lên bầu trời, nhọn như một mũi tên”; “ bạt ngàn khắp núi rừng”, “nhựa thơm ngào ngạt”; “ lóng lánh vô số bụi vàng từ nhựa cây bay ra, thơm mỡ màng” ⇒ Hình tượng cây xà nu hiện ra đầy chất thơ, hùng tráng đấy cũng chính là vẻ đẹp của thiên nhiên của đất nước.

– Là loài cây chịu nhiều đau thương: Trong chiến tranh cả Rừng xà nu bị tàn phá nặng nề, nằm trong tầm đại bác của giặccả rừng xà nu không có cây nào là không bị thương. Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình”.

Là loài cây có sức sống dẻo dai, bất diệt:Có khả năng chịu đựng mọi thử thách, không gì tiêu diệt nổi: “bên cạnh một cây ngã gục đã có bốn năm cây con mọc lên”, “những vết thương do bom đạn chóng lành”, “uỡn tấm ngực che chở cho làng”

* Cây xà nu gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân Tây Nguyên:

– Trong sinh hoạt hàng ngày: Cây xà nu có mặt trong đời sống của dân làng, gắn bó chặt chẽ với cuộc sống sinh hoạt của người dân: Làm đuốc, thắp sáng, làm bảng học chữ, làm củi nấu ăn “ lửa xà nu trong bếp mỗi nhà”,” trẻ con mặt lem luốc khói xà nu”..

– Trong đấu tranh chống giặc:là lá chắn bảo vệ làng Xô Man trước đạn pháo giặc, làm chông đánh giặc, làm đuốc dẫn đường, Cây xà nu trở thành nhân chứng về tội ác của chiến tranh: “giặc tẩm nhựa xà nu đốt mười ngón tay Tnú”, “Ngọn lửa xà nu soi rõ xác những tên lính giặc”.

b. Rừng xà nu tượng trưng cho số phận và phẩm chất con người Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ:

Rừng xà nu là biểu tượng cho con người. Cây xà nu được miêu tả như một nhân vật có linh hồn, có tính cách, được khắc họa trong sự hòa nhập, tương ứng với những phẩm chất của dân làng Xô Man:

– Biểu tượng củađau thương:Thương tích mà rừng xà nu phải gánh chịu do đại bác cũng như những mất mát đau thương mà đồng bào Xô Man đã phải gánh chịuNó treo cổ anh Xút lên cây vả đầu làng”, “nó giết bà Nhan, chặt đầu cột tóc treo đầu súng”. Mẹ con Mai bị giặc đánh đến chết “ngọn roi chúng không từ một ai, tiếng kêu khóc dậy cả làng”. Hình ảnh dòng nhựa xà nu ứa ra, bầm lại thành những cục máu lớn biểu trưng cho những uất hận, căm hờn được tích tụ trong lòng người dân Tây Nguyên. Tnú – một con người kiên cường, dũng cảm cũng phải chịu cảnh mất vợ, mất con, hai bàn tay của anh mỗi ngón chỉ còn hai đốt.

– Biểu tượng của khát vọng tự do:Xà nu là loại cây rắn rỏi, ham ánh nắng mặt trời như dân làng Xô Man yêu tự do., tìm đến ánh sáng của Đảng, của cách mạng để được sống, được hạnh phúc.

– Biểu tượng của kiên cường, bất diệt:

+ Dù thương tích đầy mình cây xà nu vẫn hiên ngang vươn lên mạnh mẽ cũng như người dân Tây Nguyên kiên cường bất khuất, không khuất phục trước kẻ thù. Ta không thể quên hình ảnh của Tnú dù bị giặc quấn giẻ tẩm nhựa xà nu vào mười đầu ngón tay để đốt và “mười ngón tay đã thành mười ngọn đuốc”, nhưng Tnú không hề kêu van “ răng anh đã cắn nát môi anh rồi”, trong mắt anh chỉ còn thấy hai cục lửa lớn của ngọn lửa căm thù, “ dù mỗi ngón tay chỉ còn hay đốt vẫn tiếp tục tham gia cách mạng”. Dít cũng vậy, tuy còn nhỏ, nhưng khi bị giặc bắt Dít vẫn kiên cường, đôi mắt không hề sợ hãi mà vẫn “bình thản lạ lùng” nhìn bọn giặc.

+ Cây xà nu có sức sống mãnh liệt không gì tàn phá được, vẫn xanh tốt trải dài đến tận chân trời cũng như dân làng Xô Man bám chặt, giữ làng, theo cách mạng đánh giặc qua nhiều thế hệ nối tiếp nhau từ thế hệ này qua thế hệ khác vẫn đảm đương sứ mệnh đánh giặc để bảo vệ quê hương“ không có cây gì mạnh bằng cây xà nu đất ta…..Đố nó giết hết rừng xà nu này”. Từ cụ Mết một cây xà nu đại thụ, là chỗ dựa vững chắc cho dân làng Xô Man đến Tnú cây xà nu trưởng thành đang ra sức để bảo vệ dân làng Xô Man cũng như Dít, bé Heng là những thế hệ nối tiếp, là hiện tại và tương lai của dân làng Xô Man.

Xem thêm:  Đề thi khảo sát chất lượng THPT QG năm 2019, đề số 36 Vợ chồng A Phủ

Rừng xà nu tạo thành một bức tường vững chắc hiên ngang trước bom đạn cũng là biểu trưng cho sức mạnh đoàn kết của người dân Tây Nguyên khiến kẻ thù phải kiếp sợ.

⇒ Mở đầu tác phẩm là hình ảnh cánh rừng xà nu “đến hút tầm mắt cũng không thấy gì hết ngoài những cây xà nu nối tiếp chạy đến chân trời”. Kết thúc tác phẩm, câu trên được nhắc lại gần như nguyên vẹn→ gây ấn tượng nổi bật, đọng lại dư âm trong tâm trí người đọc khi câu chuyện đã khép lại.

* Tóm lại:

– Cây xà nu là biểu tượng cho số phận đau thương và phẩm chất anh hùng của dân làng Xô Man nói riêng và nhân dân Tây Nguyên nói chung trong cuộc kháng chiến chống Mĩ.

– Được xây dựng với cảm hứng sử thi hoành tráng và bút pháp lãng mạn.

2. Những con người tiêu biểu của Tây Nguyên anh hùng:

a) Cụ Mết:

– Là thế hệ đi trước của làng Xô Man, tham gia chống giặc từ thời chống Pháp

– Là pho sử sống, là cây đại thụ và là chỗ dựa tinh thần của buôn làng.

– Ngoại hình quắc thước, rắn rỏi, dẻo dai.

– Tích cách trầm tĩnh, sáng suốt, mạnh mẽ, cứng cỏi.

– Là linh hồn của cuộc chiến đấu, là gạch nối giữa Đảng và dân làng. Khi giặc càn quét khủng bố, dân làng lo sợ, cụ Mết đã nói “Cán bộ là Đảng. Đảng còn, núi nước này còn” Khẳng định niềm tin vào Đảng và Cách mạng.

– Vững vàng, gan góc trong đấu tranh. Là người cứng cỏi không nóng lòng, khi bọn thằng Dục xuất hiện, nhận thức được giặc có vũ khí còn mình thì không, cụ Mết đã cho đám trai làng kéo vào rừng ẩn nấp, khi có vũ khí trong tay thì sẵn sàng tấn công giết giặc “cụ Mết đã đứng đấy lưỡi mác dài trong tay”, “chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo!”.

– Yêu thương chăm sóc thế hệ tương lai, yêu quê hương, tự hào về quê hương của mình “Người Strá ai có cái tai, ai có cái bụng thương núi thương nước, hãy lắng mà nghe, mà nhớ. Sau này tau chết rồi, chúng mày phải kể lại cho con cháu nghe”.

⇒ Cụ Mết tiêu biểu cho thế hệ già làng trong cuộc đấu tranh của dân tộc là “cây xà nu đại thụ”, là linh hồn của làng Xô Man trong thời kì kháng chiến chống Mĩ, cụ tiêu biểu cho tinh thần quật cường, bất khuất của dân tộc Việt nam, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho thế hệ con cháu.

b) Nhân vật Tnú:

Được tác giả tập trung khắc họa tính cách lẫn số phận, mang ý nghĩa tiêu biểu cho số phận và con đường giải phóng của nhân dân Tây Nguyên.

* Số phận:

– Từ nhỏ: mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống nhờ vào sự cưu mang đùm bọc của dân làng

– Trưởng thành: Số phận của Tnú giống như số phận của dân làng Xô Man.

+ Có gia đình, vợ, con nhưng đều bị giặc sát hại dã man.

+ Bản thân Tnú cũng mang thương tích trên thân thể- hậu quả của những đòn tra tấn của kẻ thù: tấm lưng lằn ngang dọc, hai bàn tay mỗi ngón chỉ còn hai đốt..

* Phẩm chất và tính cách:

Yêu thương vợ con, dân làng và quê hương:

+ là người cha rất mực thương con “anh xé đôi tấm dồ của mình để Mai địu con”, khi chứng kiến cảnh vợ con bị kẻ thù hành hạ, biết là thất bại, anh vẫn xông ra cứu và chỉ thẳng vào mặt bọn giặc “đồ ăn thịt người., Tao đây, Tnú đây”.

+ Xa làng Tnú nhớ làng, nhớ âm thanh và nhịp điệu sinh hoạt của làng “ Dù đã rửa ở suối rồi, nhưng Tnú vẫn xúc động để cho vòi nước của làng mình giội khắp người như ngày trước”. ; khi về, anh nhớ tất cả mọi người…

Là người gan góc, dũng cảm, kiên cường: Tnú lớn lên trong sự yêu thương đùm bọc của dân làng Xô Man ở anh có những tính cách thật đáng quý gan góc, dũng cảm, táo bạo.

+ Ngay từ nhỏ dù trong thời kì giặc khủng bố dã man nhưng Tnú vẫn cùng Mai hăng hái vào rừng nuôi cán bộ “ không bao giờ Tnú đi đường mòn”, Tnú “cứ xé rừng mà đi”, rồi anh quyết tâm học tập để làm cán bộ, gan dạ dũng cảm khi làm giao liên “anh cứ lựa chỗ thác mạnh mà bơi ngang như con cá kình” vì giặc không ngờ.

Xem thêm:  Cảm nhận sức sống mãnh liệt của con người trong cảnh đói khát qua hình ảnh bà cụ Tứ (Vợ nhặt – Kim Lân)

+ Khi bị giặc bắt, bị tra tấn, Tnú quyết không khai, chỉ tay vào bụng nói (Cộng sản) ở đây này”…

+ Khi xông ra cứu vợ con, Tnú bị giặc bắt, bị đốt mười đầu ngón tay bằng ngọn lửa xà nu, Tnú quyết không kêu van

⇒ tiếng thét của anh trở thành hiệu lệnh cho dân làng giết giặc.

Biết vượt lên mọi đau đớn và bi kịch cá nhân:

Dù mất vợ con, dù hai bàn tay mỗi ngón chỉ còn hai đốt, Tnú vẫn nén đau thương, tham gia lực lượng vũ trang để góp phần giải phóng quê hương…

Có tinh thần kỷ luật cao: Ba năm đi bộ đội, dù nhớ làng nhưng được phép cấp trên mới dám về thăm làng. Khi được về thăm làng, dù rất lưu luyến song anh chấp hành đúng qui định, ở lại một đêm rồi ra đi…

Cuộc đời bi tráng và con đường đến với cách mạng của Tnú điển hình cho con đường đến với cách mạng của những người dân tây Nguyên, góp phần làm sáng tỏ chân lí của thời đại: phải dùng bạo lực cách mạng để tiêu diêt bạo lực phản cách mạng; đấu tranh vũ trang là con đường tất yếu để tự giải phóng.

⇒ Tnú “cây xà nu bất khuất” là một nhân vật độc đáo mang vẻ đẹp lãng mạn, giàu chất sử thi. Tính cách và số phận của Tnú tiêu biểu cho những con người Tây Nguyên và của cả dân tộc ta trong thời kì kháng chiến chống Mĩ.

c) Dít:

Cùng với Tnú là đại diện cho thế hệ thanh niên, là lực lượng chiến đấu chính của dân làng- những cây xà nu đã trưởng thành.

– Cô bí thư chi bộ kiêm chính trị viên xã đội làng Xô Man.

– Lúc nhỏ: là một cô bé gan dạ, có đôi mắt bình thản, trong suốt, bản lĩnh, vững vàng trước mọi tình huống.

– Là một con người gan góc, cương nghị.

– Trở thành người lãnh đạo cuộc chiến đấu của buôn làng.

– Gương mẫu, nhiệt tình, trách nhiệm và rất nguyên tắc.

– Tình cảm trong sáng, sâu sắc nhưng lặng lẽ, kín đáo.

⇒ Dít tiêu biểu cho thế hệ thanh niên làng Xô Man, “một cây xà nu đã trưởng thành”

d) Bé Heng: Đại diện cho thế hệ măng non sẵn sàng tiếp bước cha anh. Rất háo hức tham gia đánh giặc, rất thông thuộc, tự hào về trận địa của dân làng, gắn bó với cách mạng, gan góc, kiên cường, tiêu biểu cho thế hệ trẻ, hứa hẹn một tương lai.

* Tóm lại:Các thế hệ nhân dân Xô Man tiếp nối trong cuộc chiến đấu, càng về sau càng lớn mạnh. Nhà văn đã xây dựng được hệ thống nhân vật tiêu biểu, có tác dụng làm nổi bật chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ.

III/. TỔNG KẾT:

1. Nội dung:

Thông qua câu chuyện về những con người ở những bản làng hẻo lánh, bên những cánh rừng xà nu bạt ngàn, xanh bất tận.Tác giả đã đặt ra vấn đề có ý nghĩa lớn lao của dân tộc và thời đại: phải cầm vũ khí đứng lên tiêu diệt kẻ thù bạo tàn để bảo vệ sự sống của đất nước, nhân dân.

2. Nghệ thuật:

Thủ pháp nhân hoá, tượng trưng: khắc họa đậm nét hình ảnh “Rừng xà nu” cũng là hình ảnh con người Tây Nguyên kiên cường, bất khuất.

Kết cấu:đầu cuối tương ứng – mở đầu và kết thúc tác phẩm đều bằng hình ảnh rừng xà nu

Cốt truyện: truyện lồng truyện: chuyện cuả cuộc đời Tnú & chuyện cuả dân làng Xô Man quật khởi đan cài vào nhau. chuyện cuả quá khứ lồng vào hiện tại…

Giọng điệu: mang tính chất sử thi, âm hưởng của anh hùng ca Tây Nguyên.

Lời văntrau chuốt giàu hình ảnh.

* Một số đề ôn tập tham khảo:

1. Phân tích nhân vật Tnú trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành

2. Cảm nhận của anh, chị về hình tượng cây xà nu trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành

3. Phân tích hình ảnh con người Tây Nguyên trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành.

Theo Thegioivanmau.com

Bài viết liên quan