Suy nghĩ về hiện tượng tham nhũng trong truyện cười “Nhưng nó phải bằng hai mày”- văn lớp 10
Đề bài: Suy nghĩ về hiện tượng tham nhũng trong truyện cười “Nhưng nó phải bằng hai mày”
Bài làm
Trong kho tàng văn học dân gian của nước ta, truyện cười, truyện ngụ ngôn chiếm một vị trí vô cùng quan trọng, bởi trong mỗi câu chuyện bên cạnh việc mang tới tiếng cười cho con người giải tỏa sự mệt mỏi thì nó còn mang đến cho chúng ta những bài học sâu sắc, những cách nhìn nhân sinh quan mới. Nó còn nhằm tố cáo những vấn đề hạn chế, còn tồn tại trong xã hội của nước ta thời phong kiến.
Trong tác phẩm “Nhưng nó phải bằng hai mày” là tiếng cười mỉa mai, châm biếm, lật tẩy thói ăn tiền khốn nạn của bọn quan lại chỉ biết ăn tiền thời xưa. Bọn chúng mang tiếng là quan phụ mẫu, quan huyện này nọ là cha mẹ của dân, là người đem lại cán cân công lý, đòi hỏi quyền lợi cho người dân nhưng thực chất lại là những kẻ bóc lột, ăn tiền, tham nhũng vơ vét của dân một cách trắng trợn. Là bọn bất lương đổi trắng thay đen nhờ quyền lực của mình
“Nhưng nó phải bằng hai mày” xoay quanh câu chuyện về hai người nông dân tên là Cải và Ngò đánh nhau rồi mang nhau ra cửa quan thưa kiện. Ai cũng cho rằng mình đúng, vì muốn quan xử phần thắng thuộc về mình nên Cải đã đi cửa sau tới nhà quan lớn rồi lo lót cho quan trên năm đồng.
Tuy nhiên, nhân vật Ngò cũng có suy nghĩ giống Cải cũng muốn quan xử phần thắng cho mình nên đã đi cửa sau và đút lót cho quan lớn mười đồng. Ngày hôm sau ra công đường quan lớn xử phần thắng thuộc về Ngò và phạt Cải chịu đánh đòn.
Trong lúc đó, Cải không hiểu nguyên nhân tại sao mình đã hối lộ tiền cho quan rồi mà giờ vẫn bị thua và bị đánh phạt nên hắn len lén giơ năm ngón tay ra ám hiệu cho quan lớn nhớ chuyện hắn có đút lót quan năm đồng.
Lúc đó, viên quân xử lý vụ án này mới gõ mạnh xuống bàn và nói to: ” Mày phải nhưng nó còn phải bằng hai mày” để ngầm nói cho Cải biết rằng Ngò cũng đi cửa sau cũng hối lộ quan tiền mà còn nhiều hơn của Cải gấp hai lần nên Cải thua đừng có mà kêu ca, phàn nàn gì hết.
Qua cách xử kiện của thầy Lý vị quan đại diện cho người dân ta thấy được sự thối nát, suy đồi giá trị đạo đức nặng nề của quan lại triều đình phong kiến. Nạn tham nhũng trắng trợn, chúng chỉ biết coi tiền là cán cân công lý, kẻ có tiền sẽ có lẽ phải, còn người ít tiền bị thua là lẽ đương nhiên. Lẽ phải và tiền bạc đi đôi và song hành với nhau như hai người bạn tri kỷ tâm giao.
Nó thể hiện sự khốn khổ của người dân trong cuộc sống cũ, một chế độ mà những nhà cầm quyền chỉ biết đến tiền dùng tiền để xử án thì làm sao những người dân đen vô tội ngoài kia không bị rơi vào đường cùng, bế tắc. Đúng như trong câu ca dao xưa có câu ru của người mẹ ngày xưa thường nhắn nhủ với con mình như thế này:
“Con ơi,nhớ lấy câu này
Cướp đêm là giặc cướp ngày là quan”
Hai câu ca dao đã nói lên sự thối nát của quan lại triều đình phong kiến, những kẻ cướp ngày, cướp giữa thanh thiên bạch nhật mà chẳng ai dám làm gì bọn chúng. Những kẻ này lợi dụng chức quyền hoành hành, hống hách, ức hiếp người một cách quá đáng, tàn nhẫn.
Tuy nhiên, nói đi nói lại việc tên thầy Lý có cơ hội ăn tiền, tham nhũng cũng là do lòng dân không yên, người dân như nhân vật Cải và Ngò ai cũng muốn mình đúng không ai nhận ra sai lầm của mình, rồi muốn lợi dụng tiền bạc của mình sẵn có để nhờ tay quan trên xử ép người kia, tạo cơ hội cho bọn quan lại thừa cơ hội đục khoét, nhũng nhiễu.
Nếu như cả hai cứ đường đường chính chính để quan lớn xử kiện thật công minh, thì chắc sẽ không có tình huống dở khóc dở cười như anh Cải vừa mất tiền vừa bị đánh, còn gì oan ức hơn. Nhưng mọi chuyện cũng do anh ta tự mua lấy. Vì anh Cải đã chơi không đẹp trước tìm cách đi cửa sau quan lớn để mong mình thắng kiện.
Nhưng “vỏ quýt dầy có móng tay nhọn” anh Ngò kia cũng chẳng phải dạng vừa anh ta còn chịu chi hơn cả anh Cải sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền hơn để quan lớn xử phần thắng về mình. Nên mới có chuyện bi hài kia
Trong bất kỳ xã hội nào để người dân được thái bình, thịnh vượng thì những người làm quan, đứng đầu nhân dân cần phải là những người thật sự thương dân, vì dân thì mới có thể làm nên một xã hội trong sạch vững mạnh được
Tham nhũng là hiện tượng băng hoại đạo đức của những nhà lãnh đạo, cầm quyền để xây dựng một đất nước giàu mạnh, tươi đẹp thì chúng ta phải nói không với hối lộ và tham nhũng.
Nguồn: Tài liệu văn mẫu