Phân tích tư thế ung dung, hiên ngang của người lính qua hai khổ thơ đầu trong bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật (bài làm của học sinh giỏi)
Phân tích tư thế ung dung, hiên ngang của người lính qua hai khổ thơ đầu trong bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật (bài làm của học sinh giỏi)
Dàn ý chi tiết
1. Mở bài:
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm
+ Phạm Tiến Duật(1941-2007), quê ở Phú Thọ, thường viết về người lính và những cô thanh niên xung phong
+ Bài thơ về tiểu đội xe không kính được sáng tác năm 1969
– Nêu vấn đề cần nghị luận: tư thế ung dung, hiên ngang ra trận của người lính trong hai khổ thơ đầu
– Nêu cảm nhận ban đầu
2. Thân bài:
* Dẫn dắt: Từ nhan đề của tác phẩm giới thiệu về hai khổ thơ
* Khổ 1:
– Hình ảnh những chiếc xe không kính
+ Điệp ngữ “không có”: nhấn mạnh sự thật về những chiếc xe không kính
+ Điệp từ “bom”
+ Các động từ mạnh: giật, rung,
=> nhấn mạnh cái dữ dội của cuộc chiến đấu.
– Thái độ của người lính lái xe:
+ Đảo ngữ “ung dung” được đảo lên đầu câu => thái độ bình tĩnh, tự tin, không một chút nao núng, run sợ
+ Hình ảnh đĩnh đạc, bất chấp gian khổ
* Khổ 2:
– Điệp từ “nhìn”: nhấn mạnh sự tập trung cao độ của người lính lái xe
+ Nhìn đất: nhìn đường để đi
+ Nhìn trời: nhìn để phát hiện máy bay của địch
+ Nhìn thẳng: nhìn vào khó khăn phía trước
– Nguy hiểm trên đường đi:
+ Người lính tiếp xúc trực tiếp với thế giới bên ngoài
+ Gió vào xoa mắt đắng
+ Cánh chim: như sa, ùa vào buồng lái
=> Sự khốc liệt mà người lính gặp phải trên suốt quãng đường xe chạy
=> Tôi luyện thêm tâm hồn người lính, cho thấy được nghị lực phi thường cùng tinh thần lạc quan
* Liên hệ mở rộng
* Khái quát lại nghệ thuật
3. Kết bài:
– Khái quát lại vấn đề
– Cảm nhận cá nhân
Phân tích tư thế ung dung, hiên ngang của người lính
Bài làm tham khảo
Phạm Tiến Duật là nhà thơ chuyên viết về người lính và những cô thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn với giọng điệu sôi nổi, trẻ trung. Gắn liền với tên tuổi, phong cách thơ của ông là bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” được sáng tác năm 1969. Bài thơ với hình ảnh những chiếc xe không kính đã khắc họa nổi bật hình tượng người chiến sĩ lái xe ở Trường Sơn với những nét đẹp và phẩm chất đáng quý. Mà trong đó hai khổ thơ đầu tiên đã làm bật lên tư thế ung dung, hiên ngang của người chiến sĩ lái xe. Họ là hình ảnh tiêu biểu của thế hệ trẻ thời kì xẻ dọc Trường Sơn cứu nước mà lòng phơi phới dậy tương lai.
Ngay từ nhan đề của bài thơ đã khắc sâu trong lòng người đọc một dấu ấn thật khó phai. Hai chữ “bài thơ” được viết ngay ở đầu nhan đề như cách mà tác giả đưa ra để nhấn mạnh ngòi bút hiện thực chiến đấu của mình. Bên cạnh đó còn là “xe không kính” gợi mở cho người đọc sự chú ý, lôi cuốn ngay từ đầu.
Trong chiến tranh, một chiếc xe không có kính không có gì là xa lạ và cũng chẳng có gì là hiếm hoi. Ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh ấy trong thời chiến là vậy nhưng có mấy ai đưa chúng được vào trong thơ ca mà hay, sâu sắc và tinh tế như Phạm Tiến Duật:
“Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi”
Có vẻ như chính họ đang tự kể về những chiếc xe của mình. Họ kể về hiện thực của những chiếc xe: đó là những chiếc xe không có kính nhưng không phải vì nó vốn thế mà là do bom đạn của quân thù đã phá hủy nó, khiến cho nó không còn nguyên vẹn như trước nữa. Điệp ngữ “không có” được lặp lại tới hai lần trong cùng một câu thơ càng góp phần nhấn mạnh thêm về sự tàn phá ấy. Không chỉ có thế thôi đâu. Tác giả còn sử dụng hàng loạt những động từ manh như “giật”, “rung” trong câu thơ tiếp theo cùng danh từ “bom” để nhấn mạnh hơn, tô đậm và khắc sâu hơn vào kí ức của người đọc về cái dữ dội của cuộc chiến đấu. Tuy khốc liệt là như vậy nhưng cách người chiến sĩ lái xe kể về nó, đối diện với nó lại hoàn toàn trái ngược:
“Ung dung buồng lái ta ngồi”
Tính từ “ung dung” được đảo lên đầu câu là cách mà tác giả lựa chọn để tả được một cách trực tiếp nhất về thái độ bình thản của người lính. Đó là sự tự tin, vững vàng không một chút lo lắng, run sợ. Các anh luôn giữ trong mình tâm lí tốt nhất, tư thế đĩnh đạc nhất để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong mọi trường hợp có thể xảy ra. Người chiến sĩ vẫn cứ lái, xe vẫn chạy. Trên dọc quãng đường xe chạy cùng sự thật không có kính đã vô tình trở thành cơ hội cho người lính tận hưởng, tiếp xúc gần nhất với thế giới bên ngoài:
“Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”
Đây là câu thơ có cách ngắt nhịp hoàn toàn khác so với những câu thơ trước đó: 2/2/2. Nhịp thơ tạo nên sự cân bằng, vững chắc của những chiếc xe không kính đang lăn bánh trên tuyến đường huyền thoại dưới tay lái vững vàng, điêu luyện của người chiến sĩ. Một câu thơ, ba chữ “nhìn” đã nêu rõ được sự tập trung đến cao độ của các anh. Họ nhìn đất để thấy được đường đi cho xe chạy, nhìn trời để kịp thời phát hiện ra máy bay của quân địch, nhìn thẳng là nhìn vào gian khổ trước mặt, nhìn về một tương lai rộng mở. Và họ đã được tiếp xúc trực tiếp với thế giới không gian bên ngoài qua cửa xe không kính:
“Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa như ùa vào buồng lái”
Những chiếc xe vẫn tiếp tục lăn bánh, người lính dù tập trung cao độ nhưng vẫn kịp cảm nhận khoảnh khắc của “gió vào xoa mắt đắng” hay sao trên trời, chim dưới đất cứ thế mà ập đến “như sa như ùa” vào buồng lái của người chiến sĩ lái xe. Một loạt các hình ảnh được lần lượt liệt kê thật đầy đủ và chi tiết cũng chính là biểu tượng cho hiện thực khốc liệt và đầy dữ dội của chiến tranh. Trước cái gian khổ làm nản lòng người thì người chiến sĩ lại đón nhận nó bằng cái tinh nghịch, trẻ trung và cũng rất lãng mạn của tuổi trẻ. Họ đã và đang giữ vững trong mình một tinh thần sắt đá, một nghị lực phi thường để vượt qua mọi rào cản trở ngại phía trước mà hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó.
Với nhiều hình ảnh tiêu biểu cùng các biện pháp tu từ đảo ngữ, điệp ngữ….., cách ngắt nhịp 2/2/2 trong câu thơ thứ tư đã cùng làm nên thành công cho hai khổ thơ mở đầu về tư thế ung dung, hiên ngang của người chiến sĩ lái xe. Có thể nói, trên những chiếc xe không kính này, dù khó khăn, gian khổ là thế nhưng không thể làm lung lay ý chí vững vàng của người lính mà ngược lại họ còn thích thú, khoái chí khi tiếp xúc với thiên nhiên.
Lê Quỳnh Chúc
Lớp 9B – Trường THCS Thái Nguyên, Thái Bình
Từ khóa từ Google
- https://thegioivanmau com/phan-tich-tu-ung-dung-hien-ngang-cua-nguoi-linh-qua-hai-kho-tho-dau-trong-bai-tho-bai-tho-ve-tieu-doi-xe-khong-kinh-cua-pham-tien-duat-bai-lam-cua-hoc-sinh-gioi