Phân tích thái độ của nhân vật Huấn Cao ở đầu truyện và cuối truyện đối với viên quản ngục trong truyện ngắn Chữ người tử tù
Phân tích thái độ của nhân vật Huấn Cao ở đầu truyện và cuối truyện đối với viên quản ngục trong truyện ngắn Chữ người tử tù
Bài làm
Nguyễn Tuân là tác gia lớn có những đóng góp quan trọng cho nền văn học Việt Nam. Bằng cái tài hoa, uyên bác của mình, ông đã mang đến cho văn học một hơi thở đầy mới lạ, tinh tế. Chữ người tử tù là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất kết tinh được tài năng và tâm huyết của người nghệ sĩ ấy. Truyện ngắn xoay quanh nhân vật Huấn Cao, một người nghệ sĩ, chí sĩ tài năng, kiêu bạc, sự chuyển biến tâm trạng của nhân vân trong mạch truyện đã mang đến những nét hấp dẫn, thu hút cho thiên truyện.
Huấn Cao là người tử tù đang bị áp giải về kinh chịu án chém do cầm đầu trong cuộc dấy binh chống lại triều đình phong kiến. Khi được giam giữ tại nhà lao nơi viên quản ngục cai quản, Huấn Cao đã dần bộc lộ được những phẩm chất cao đẹp của một người nghệ sĩ, người anh hùng. Theo dõi câu chuyện ta có thể nhận thấy thái độ của Huấn Cao với viên quản ngục có sự thay đổi rõ rệt ở phần đầu và cuối tác phẩm, cũng chính những diễn biến tâm trạng, thái độ này đã tạo cơ sở để độc giả cảm nhận trọn vẹn về chân dung, vẻ đẹp của người nghệ sĩ, về sức mạnh của người tài, cái đẹp.
Khi biết Huấn Cao được giải đến nhà ngục nơi mình cai quản, viên quản ngục đã có những thiết đãi đặc biệt với người tử tù bởi từ lâu viên quản ngục đã ngưỡng mộ tài năng viết chữ đẹp của Huấn Cao. Ông đã cho người dâng rượu với đồ nhắm, hành động thiết đãi này xuất phát từ chính tấm lòng ngưỡng mộ chân thành, trong sáng của một người đam mê cái đẹp, cái tài.
Không chỉ đối đãi đặc biệt mà trong thái độ ứng xử với Huấn Cao, viên quản ngục cũng tỏ ra khép lép, kính trọng, gọi Huấn Cao là “ngài” và tâm sự những điều thật lòng thật dạ “Đối với những người như ngài, phép nước ngặt lắm. Nhưng biết ngài là một người có nghĩa khí tôi muốn châm trước ít nhiều. Miễn là ngài giữ kín cho”. Viên quản ngục vốn là người đại diện cho chính quyền phong kiến, người nắm trong tay quyền lực mà lại tỏ ra khép lép, nhún nhường với một người tử tù đã thể hiện được sự hiểu biết, khát khao cái đẹp bên trong con người ấy, đồng thời gián tiếp bộc lộ tài năng, tầm vóc nghệ sĩ của Huấn Cao, bởi tài năng ấy có khả năng thu phục cả cường quyền.
Trước sự biệt đãi ân cần, chu đáo của viên quản ngục, thái độ của Huấn Cao vô cùng quyết liệt, không chỉ từ chối rượu thịt mà lời nói cũng đầy gay gắt, khinh miệt, thái độ coi thường ra mặt “ Ngươi hỏi ta muốn làm gì?… nhà ngươi đừng đặt chân vào đây nữa”. Huấn Cao từ chối bởi chính
khí tiết trong sạch, nhân cách cao cả của ông: không chịu quỵ lụy, nhờ vả càng không chịu khuất phục trước quyền lực mà viên quản ngục lại chính là đại diện cho triều đình phong kiến, nắm trong tay thứ quyền lực bạo tàn mà vốn Huấn Cao căm ghét nhất.
Hơn nữa, khi ấy Huấn Cao chưa hiểu được tấm lòng trong sáng, đam mê cao đẹp của viên quản ngục. Bởi nhìn từ bên ngoài ai có thể tưởng tượng được rằng một người quản ngục sống trong sự bon chen, đen tối của tù ngục lại có thể có những khát vọng cao đẹp đến vậy. Viên quản ngục vốn là người hiểu biết, hay chữ nên cũng hiểu hơn ai hết thái độ của Huấn Cao với mình mà trước sự quyết liệt của Huấn Cao ông chỉ khiêm tốn “xin lĩnh ý” và âm thầm thể hiện tấm lòng của mình bằng sự đối đãi đặc biệt.
Thái độ của Huấn Cao hoàn toàn thay đổi khi nhận biết được tấm lòng chân thành và những phẩm chất tốt đẹp của viên quản ngục. Huấn Cao thể hiện sự hối hận vì đã hiểu nhầm và suýt chút nữa đã phụ một tấm lòng trong thiên hạ “Nào ta có biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa ta đã phụ mậ một tấm lòng trong thiên hạ”. Để đáp lại tấm lòng biệt nhỡn của viên quản ngục, Huấn Cao đã quyết định cho chữ ngay tại ngục lao tối tăm, u ám. Huấn Cao vốn là người rất khoảnh, trước nay ông chỉ cho chữ những người tri kỉ “đời ta cũng mới viết hai bô tứ bình và một bức trung đường cho ba người bạn thân của ta thôi”. Việc cho chữ viên quản ngục đã thể hiện sự trân trọng đối với tấm lòng của viên quản ngục, Huấn Cao đã coi ông như tri kỉ, một người bạn thân của ông mà tặng chữ.
Huấn Cao có thái độ và lời nói đầy thân ái, tôn trọng với viên quản ngục, không chỉ đỡ viên quản ngục đứng thẳng người dậy, gọi hai tiếng thầy quản đầy thân thiết mà Huấn Cao còn trao cho viên quản ngục những chữ vừa viết và cho ông những lời khuyên tâm huyết “thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã rồi nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây khó giữ thiên lương cho lành vững”. Trước tấm lòng của Huấn Cao, viên quản ngục đã nghẹn ngào, vái người trước kẻ tử tù và nói “kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Hành động này của viên quản ngục không chỉ thể hiện sự biết ơn mà còn thể hiện thái độ bái phục trước một nhân cách đẹp, một thiên lương cao cả.
Theo diễn biến mạch truyện, thái độ của Huấn Cao với viên quản ngục có sự thay đổi rõ nét, sự thay đổi này đã mang đến những hấp dẫn cho câu chuyện đồng thời bộc lộ được nhân cách tốt đẹp của cả Huấn Cao và viên quản ngục.