Phân tích nhân vật Tràng trong tác phẩm Vợ Nhặt của Kim Lân (bài làm của học sinh giỏi)


Phân tích nhân vật Tràng trong tác phẩm Vợ Nhặt của Kim Lân (bài làm của học sinh giỏi)

Lập dàn ý chi tiết

1. Mở bài

– Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm và nhân vật Tràng.

2. Thân bài

– Nêu hoàn cảnh ra đời và tình huống khắc họa nhân vật.

+ Truyện ngắn “Vợ nhặt” được viết lại từ một chương của tiểu thuyết “Xóm ngụ cư” với bối cảnh xã hội là nạn đói khủng khiếp năm 1945.

+ Tràng – một thanh niên xấu xí, thô kệch, gia cảnh nghèo khó bỗng lại nhặt được vợ trong những ngày đói khủng khiếp.

– Tràng là hiện thân của người lao động nghèo khổ.

+ Gia cảnh: nghèo khổ, cùng quẫn. Chỉ có hai mẹ con sống nương tựa nhau.

+ Tràng làm nghề kéo xe thuê.

+ Ngoại hình: xấu xí, thô kệch, khó coi; tính cách: không bình thường “vừa đi vừa lảm nhảm”. Vì vậy,Tràng có nguy cơ ế vợ rất cao.

– Tràng là hiện thân cho tình thương và khát vọng hạnh phúc.

+ Lời đùa cợt của Tràng: “Muốn ăn cơm trắng mấy giò này!; Lại đây mà đẩy xe bò với anh nì!” thể hiện tình thương và khát khao một cuộc sống đầy đủ hạnh phúc.

+ Điều đó còn được thể hiện rõ nét qua hành động mời thị ăn bánh đúc và lời mời thị về nhà cùng.

+ Khi Tràng nhặt được vợ thì anh lại lo lắng bởi bản thân anh còn chưa nuôi nổi. Nhưng rồi Tràng tặc lưỡi: “Chậc, kệ!” Thể hiện sự liều lĩnh nhưng cũng là sự cưu mang, nhân hậu và khát khao có một mái ấm gia đình.

+ Tràng bắt đầu trở nên nghiêm túc và có trách nhiệm. Trên đường đưa vợ về ra mắt mẹ, anh phớn phở và quên hết cảnh sống hiện tại, cảm thấy nhẹ bỗng khi mẹ anh bằng lòng.

+ Buổi sáng đầu tiên có vợ, anh nhận ra sự đổi khác trong căn nhà của mình. Tràng dường như không tin đây là sự thật. Tràng nhận ra trách nhiệm của một người đàn ông trụ cột.

+ Bữa cơn đón nàng dâu mới và những câu chuyện thị kể đã hé mở ra tương lai tươi sáng.

=> Trong đói khát, Tràng vẫn khao khát hạnh phúc gia đình, thèm muốn được đổi đời và dù trong hoàn cảnh nghèo khổ, Tràng vẫn đùm bọc người vợ nhặt và trân trọng mối nhân duyên bèo bọt của mình, đồng thời hướng tới một cuộc sống ấm no, đầy đủ và một tương lai tươi sáng.

3. Kết bài

– Tràng là hiện thân của con người vươn lên, khát khao hạnh phúc, cuộc sống đầy đủ ấm no.

– Kim Lân đã thực sự tạo dấu ấn sâu sắc khi sử dụng một loạt các biện pháp nghệ thuật, cách kể chuyện tự nhiên hấp dẫn, tạo dựng tình huống độc đáo để xây dựng nhân vật Tràng.

Xem thêm:  Viết đoạn văn về chủ đề: Bạn có thích học lịch sử

phan tich nhan vat trang trong tac pham vo nhat cua kim lan bai lam cua hoc sinh gioi - Phân tích nhân vật Tràng trong tác phẩm Vợ Nhặt của Kim Lân (bài làm của học sinh giỏi)

Phân tích nhân vật Tràng

Bài làm tham khảo

Kim Lân được đánh giá là một cây bút tài năng của văn xuôi Việt Nam hiện đại. Tác phẩm của ông chủ yếu là những trang viết về phong tục và đời sống làng quê, những người nông dân mà ông am hiểu sâu sắc cảnh ngộ và tâm lý của họ. “Vợ nhặt” là một trong những truyện ngắn sâu sắc của ông viết về đề tài đó. Tác phẩm đã tái hiện chân thực cuộc sống khốn khổ của người nông dân trong nạn đói khủng khiếp năm 1945, để từ đó làm sáng ngời lên tình người, khát vọng hạnh phúc của con người. Nhân vật Tràng để lại cho người đọc những ấn tượng sâu sắc khó phai bởi vẻ thô kệch, xấu xí, có nguy cơ ế vợ bỗng lại “nhặt” được vợ. Trong đói khát, nghèo khổ anh vẫn khao khát hạnh phúc gia đình, thèm muốn được đổi đời…

Truyện ngắn “Vợ nhặt” được viết lại từ một chương của tiểu thuyết “Xóm ngụ cư” với bối cảnh xã hội là nạn đói khủng khiếp năm 1945. Mặc dù được hoàn thành khá lâu sau năm đói nhưng cảm quan về cái đói vẫn thấm đẫm trong từng trang viết của nhà văn Kim Lân.

Sức hấp dẫn và cuốn hút của truyện ngắn “Vợ nhặt” sẽ mất đi nếu như thiếu nhân vật Tràng. Tác giả thật tài tình khi đặt nhân vật vào một tình huống hoàn toàn bất ngờ: Một thanh niên xấu xí, thô kệch, gia cảnh nghèo khó bỗng lại nhặt được vợ trong những ngày đói khủng khiếp. Thêm một người tức là thêm một miếng ăn thì cuộc sống của anh sẽ ra sao, trong khi bản thân anh còn chưa nuôi nổi. Xây dựng nhân vật này, dường như nhà văn có chủ ý hướng người đọc đến sự nhìn nhận và suy ngẫm về những kiếp người, số phận của những con người trong nạn đói khủng khiếp năm 1945, ở họ vẫn hướng về sự sống, vẫn khát khao tổ ấm gia đình, yêu thương đùm bọc lẫn nhau.

Khi miêu tả và thể hiện ngoại hình, tính cách nhân vật Tràng, ngòi bút Kim Lân chân thật trong từng hình ảnh, từng chi tiết. Tác giả không chỉ kể mà còn khéo léo dẫn dắt để người đọc cùng suy nghĩ, cùng sống và cảm nhận với nhân vật Tràng. Tràng là một thanh niên xuất thân trong một gia đình nghèo, sống trong gia đình chỉ có hai mẹ con, làm nghề kéo xe thuê để nuôi sống hai mẹ con. Tràng có ngoại hình xấu xí, thô kệch, thật khó coi: hai con mắt nhỏ tí, cái hàm bạnh ra, mặt thô kệch, đầu trọc nhẵn trũi về đằng trước, lưng to rộng như lưng gấu… Tràng dường như cũng không bình thường, “hắn vừa đi vừa lảm nhảm nói những điều hắn nghĩ, rồi nhiều khi lại ngửa mặt lên trời cười hềnh hệch”. Vì thế Tràng có nguy cơ ế vợ rất cao. Tuy nhiên ta thấy điều đáng quý ở Tràng, đó là ngay trong những ngày tăm tối, người chết như ngả rạ song Tràng không chịu tuyệt vọng, anh vẫn vật lộn kiếm sống bằng nghề kéo xe thuê và trong lời đùa cợt của anh:

Xem thêm:  Bình giảng bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi

“Muốn ăn cơm trắng mấy giò này!

Lại đây mà đẩy xe bò với anh nì!”

Phải chăng đây cũng là một tiếng nói khát vọng về một cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc.

Cũng như vậy lời đùa của Tràng với người đàn bà: “có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về” đã chứa đựng bao nỗi niềm. Câu nói của anh đùa mà thật, thật mà đùa, đùa là ở chỗ bỡn cợt cho vui, nhưng thật là ở chỗ: trong thâm tâm Tràng cũng muốn có vợ. Nghĩa là ở Tràng ngay trong những ngày thảm đạm ấy, cái sống không chỉ là tìm cách kiếm cái ăn cho qua những ngày đói mà chính là niềm hi vọng, mong ước có một mái ấm gia đình.

Khi sự đùa cợt đã trở thành hiện thực, Tràng “nhặt” được vợ (chỉ với hai lần gặp và bốn bát bánh đúc). Ban đầu anh có hơi lo sợ cho sự “đèo bồng” bởi bản thân anh ta cũng chưa nuôi nổi mình. Đó là một ý nghĩ rất hiện thực. Nhưng niềm khao khát tổ ấm gia đình đã khiến anh “Chậc, kệ!” Sau tiếng “Chậc, kệ!” ấy là một sự liều lĩnh, là sự cưu mang của một tấm lòng nhân hậu, tình thương của con người trong hoàn cảnh khốn khổ.

Tràng bắt đầu trở nên nghiêm túc trong mối quan hệ với người đàn bà đói rách. Anh thấy có trách nhiệm quan tâm cho thị, đưa thị vào chợ, tính mời thêm bữa cơm thật no, sắm thêm cái thúng con đựng vài thứ lặt vặt rồi cùng đẩy xe về. Trên đường đưa vợ về ra mắt mẹ, mặt anh phớn phở khác thường. Trong phút chốc, Tràng quên đi cảnh tượng tăm tối trước mặt, chỉ còn tình nghĩa với người đàn bà đi bên cạnh, cảm giác êm dịu khi đi bên cạnh cô vợ mới. Tràng hồi hộp chờ phản ứng của mẹ và thấy nhẹ bỗng khi mẹ anh bằng lòng, bởi nó giúp anh có thêm động lực để bước tiếp.

Như vậy, trong lòng Tràng giờ đây không chỉ có tình thương mà còn thức dậy bao cảm xúc mới mẻ. Đó là sự ngỡ ngàng, là niềm vui sướng, phấn chấn đột ngột trong lòng. Đó là cái ý thức về bổn phận muốn góp phần tu sửa lại căn nhà (cái dáng xăm xăm đầy hăm hở của Tràng giờ đây thật khác với dáng đi ngật ngưỡng, chán chường ở đầu tác phẩm).

Xem thêm:  Tóm tắt truyện "Số phận con người" của nhà văn Xô-cô-lốp

Buổi sáng đầu tiên có vợ, Tràng biến đổi hẳn. Người êm ái, lơ lửng khi bước ra khỏi nhà, ngờ ngợ như không tin là mình đã có vợ, hạnh phúc hiển hiện trước mắt mà anh vẫn không dám tin (hiện thực nghiệt ngã đã ám ảnh họ).

Buổi sáng rực rỡ ánh nắng, nhà cửa được dọn dẹp tươm tất. Anh tìm thấy niềm vui khi gắn bó với gia đình bởi nó là nơi chứng kiến những phút giây hạnh phúc đầu tiên của cuộc đời anh. Anh nhận ra rằng: hạnh phúc không phải ở đâu xa lạ mà nó nằm ngay trong những gì gần gũi thân thuộc của anh khiến anh dưng dưng cảm động. Trong anh xuất hiện những dự định về tương lai. Anh nhận ra mình có trách nhiệm phải chăm chút cho ngôi nhà của mấy mẹ con trở thành một tổ ấm thực sự hạnh phúc mặc dù anh phải đối diện với hiện thực nghiệt ngã (bữa cơm sáng đầu tiên đón nàng dâu mới). Cả gia đình quây quần bên nhau cùng ăn bữa cơm ngày đói và nói toàn những chuyện vui. Hạnh phúc từ một trò đùa nay đã thành thật. Câu chuyện của người vợ nhặt ở mạn Bắc Giang, Thái Nguyên người ta đi phá kho thóc Nhật đã khiến Tràng nhớ về đoàn người của lá cờ đỏ. Điều ấy đã gieo vào lòng họ niềm hi vọng mãnh liệt về sự đổi đời, về tương lai tươi sáng.

Trong đói khát, Tràng vẫn khao khát hạnh phúc gia đình, thèm muốn được đổi đời và dù trong hoàn cảnh nghèo khổ, Tràng vẫn đùm bọc người vợ nhặt và trân trọng mối nhân duyên bèo bọt của mình, đồng thời hướng tới một cuộc sống ấm no, đầy đủ và một tương lai tươi sáng.

Qua diễn biến tâm lý của Tràng, ta thấy toát lên niềm khát khao tổ ấm gia đình, khát khao được sống và vươn ra ánh sáng của những con người nghèo khổ trong nạn đói. Với cách kể chuyện tự nhiên, lôi cuốn, hấp dẫn, xây dựng tình huống độc đáo, đầy sáng tạo, miêu tả tâm lý nhân vật tự nhiên, tinh tế, ngôn ngữ giản dị… Kim lân đã thành công khi miêu tả diễn biến tâm lý và hành động của nhân vật Tràng. Nhân vật Tràng nói riêng và tác phẩm “Vợ nhặt” nói chung sẽ còn in đậm trong tâm trí người đọc hôm nay và mai sau.

Chu Nhật Tiên

Lớp 12A1 – Trường THPT Vân Nham, Hữu Lũng, Lạng Sơn

Từ khóa từ Google

  • https://thegioivanmau com/phan-tich-nhan-vat-trang-trong-tac-pham-vo-nhat-cua-kim-lan-bai-lam-cua-hoc-sinh-gioi

Bài viết liên quan