Phân tích khổ thơ thứ ba trong bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương (bài làm của học sinh giỏi)
Phân tích khổ thơ thứ ba trong bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương (bài làm của học sinh giỏi)
Dàn ý chi tiết
1. Mở bài:
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm:
+ Viễn Phương:
+ Viếng lăng Bác:
– Nêu nội dung cần bàn luận: cảm xúc của tác giả khi vào lăng
– Nhận định ban đầu
2. Thân bài:
* Dẫn dắt: Từ nội dung của khổ thơ thứ nhất và thứ hai dẫn dắt giới thiệu khổ thơ thứ ba
* Hình ảnh của Bác:
– Hình ảnh vầng trăng trong giấc ngủ của Người
+ Dịu hiền như ánh trăng
+ Trăng là bạn tri kỉ của Người và đã đi vào không biết bao nhiêu bài thơ của Bác
+ Trăng là biểu tượng cho nhân cách thanh cao của Người
* Cảm xúc của tác giả:
– Hình ảnh trời xanh:
+ Gợi sự vĩnh hằng, bất tử
+ Người luôn sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam
– Sự tiếc thương, đau đớn:
+ Nghệ thuật chuyển đổi cảm giác
+ Cách ngắt nhịp đột ngột
+ Dẫu biết sự ra đi của Người là không tránh khỏi nhưng vẫn cảm đấy đau đớn khôn nguôi
* Liên hệ mở rộng
* Khái quát lại nghệ thuật
3. Kết bài:
– Khái quát lại vấn đề
– Nêu cảm nhận cá nhân
Phân tích khổ thơ thứ ba trong bài thơ Viếng lăng Bác
Bài làm tham khảo
“Bác Hồ! Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại”. Câu hát ngọt ngào, đi sâu vào trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam, là một trong rất nhiều câu hát ngợi ca chủ tịch Hồ Chí Minh yêu dấu của dân tộc. Viết về người, mỗi nhà thơ lại góp tiếng lòng chân thành, tha thiết của mình qua các tác phẩm với nhiều phong cách khác nhau. Trong số đó Viễn Phương cũng đã góp cây bút của mình, tô thêm vườn thơ ca về người qua bài thơ “Viếng lăng Bác” và khổ thơ thứ ba đã đặc tả cảnh tác giả khi ở trong lăng:
“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim”
Bài thơ “Viếng lăng Bác” với mạch cảm xúc của một chuyến vào lăng Bác. Nếu như ở hai khổ thơ đầu tiên là cảm xúc của nhà thơ khi vào lăng với những hình ảnh rất đỗi quen thuộc như hàng tre xanh, mặt trời đỏ rực,… thì khổ thơ thứ ba lại là cảm xúc của tác giả khi vào trong lăng. Với sự khâm phục, lòng biết ơn khi vào trong lăng nhà thơ đã có những cảm xúc rất chân thành:
“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền”
Hàng tre thẳng tắp, xanh mướt một màu, mặt trời chói chang, rực rỡ đã lùi xa nhường chỗ cho ánh sáng dịu hiền, mềm mại, dễ chịu của “vầng trăng” trong giấc ngủ ngàn thu của Bác. Trăng trong giấc ngủ hay còn là biểu tượng cho tâm hồn thanh cao tựa ánh trăng của Người hay còn là những vần thơ cao siêu cũng tràn ngập sắc màu ánh trăng mát dịu. Tác giả nhắc đến trăng ở đây cũng thật dễ hiểu. Trăng đã gắn bó với cuộc sống sinh hoạt với cuộc đời thơ ca của Bác. Những ngày tháng ở chiến khu Việt Bắc, trăng đã trở thành một người bạn trung thành của Người và dần bước vào những vẫn thơ:
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”
Hay vầng trăng còn đẹp hơn ngay cả khi Bác đang bị song sắt nhà tù giam hãm:
“Trong tù không rượu cũng không hoa
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”
Từ hiện thực trong quá khứ tác giả đã mang nó đến với hiện tại để ngay cả khi đã đi xa Người vẫn luôn gắn bó cùng ánh trăng hiền hòa của thiên nhiên của đất trời Việt Nam. Từ đó, thực tại đau đớn, xót xa bỗng ùa về:
“Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim”
Sự thật là vậy, Bác đã đi xa về nơi vĩnh hằng – một nỗi đau làm nhức nhói hàng triệu trái tim con dân nước Việt. Lại thêm một hình ảnh nữa của thiên nhiên – “trời xanh” đã làm nên một hệ thống chặt chẽ sắc màu, nét đẹp của hình ảnh thiên nhiên, vũ trụ để ngợi ca, tôn vinh sự trường tồn của Người sẽ là mãi mãi. Người cha già kính yêu của dân tộc có những khoảnh khắc sáng chói như mặt trời rực lửa lại cũng có khi dịu hiền như vầng trăng trong sáng và giờ đây Người là bầu trời xanh vĩnh viễn trường tồn, bất tử trong lòng triệu triệu con người của dải đất hình chữ S. Một con người của trí tuệ cao siêu, của những tài năng hiếm có, của một trái tim đôn hậu sẽ sống mãi cùng dân tộc Việt Nam và bạn bè quốc tế. Biết là mãi trường tồn vậy sao lại “nhói ở trong tim”. Không phải là cảm thấy mà là nghe thấy cùng cách ngắt nhịp đột ngột 2/2/3 đã diễn tả sự mâu thuẫn đến tột cùng, sự đấu tranh của cảm xúc trong chính thi nhân. Sinh lão bệnh tử là quy luật ở đời, dẫu biết sự ra đi của Người là không thể tránh khỏi nhưng vẫn cảm thấy đau đớn vô cùng. Nghệ thuật chuyển đổi cảm giác: “nghe nhói” càng khiến cho nỗi đau tăng lên gấp bội, sự nghẹn ngào đang dần dâng trào đưa ta về với những vần thơ ngập màu nước mắt:
“Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa
Đời tuôn nước mắt trời tuôn mưa”
Thời gian cứ lặng lẽ trôi đi nhưng nỗi đau ngày nào vẫn còn đau đáu. Đó cũng là cảm xúc của tác giả khi vào lăng viếng Bác.
Khổ thơ thứ ba với cách sử dụng tinh tế hình ảnh vầng trăng, bầu trời cùng nghệ thuật chuyển đổi cảm giác cũng dần khép lại trong sự tiếc thương, đau đớn. Khổ thơ đã gợi lại trong em hình ảnh thân quen của Bác, cho em hiểu thêm về Bác, em cũng như những người Việt khác, đó là sự tiếc nuối trước sự ra đi của Người và bên cạnh đó còn là sự khen ngợi, tôn trọng với một Viễn Phương bằng tình cảm chân thật nhất của mình đã viết lên “Viếng lăng Bác” hay và giàu cảm xúc đến như vậy.
Lê Quỳnh Chúc
Lớp 9B – Trường THCS Thái Nguyên, Thái Bình