Phân tích hình tượng nhân vật Chí Phèo qua truyện ngắn Chí Phèo (bài làm của học sinh giỏi)


Đề bài: Phân tích hình tượng nhân vật Chí Phèo qua truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao

Giới thiệu về tác phẩm: Chí Phèo là một truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Nam Cao được viết vào tháng 2 năm 1941, được xem là kiệt tác của văn học hiện thực phê phán lúc bấy giờ. Chí Phèo kể về tấn bi kịch của người nông dân nghèo bị tha hóa cả nhân hình lẫn nhân tính, cuối cùng phải chọn cái chết để giải thoát cho chính mình.

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài

Trích dẫn câu nói của nhà văn Nga Sê- khốp: “ Một nghệ sĩ chân chính phải là một nhà nhân đạo từ trong cốt tủy”.

Những nhà văn chân chính phải đem đến cho người đọc những tác phẩm chân chính “

Nhà văn Nam Cao cũng không thể đứng ngoài quy luật sáng tạo ấy.

Chí Phèo của Nam Cao là sự thật về con người bị tha hóa, đồng thời cũng là tiếng nói xót xa trước hiện thực xã hội đẩy con người tới đường cùng.

2. Thân bài

Thời niên thiếu: Chí Phèo là con người lương thiện

  • Chí Phèo là đứa trẻ mồ côi, bị bỏ rơi ở lò gạch cũ, được người đi thả ống lươn nhặt được, sau đó, chuyền tay cho người làng nuôi.
  • Lớn lên, đi làm canh điền cho nhà lí Kiến.
  • Là người chăm chỉ, lương thiện, có lòng tự trọng, có ước mơ.

Cuộc sống của con người bị tha hóa:

  • Bị lí Kiến ghen, đẩy vào tù.
  • Sau khi ra tù: Trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại, thay đổi cả nhân hình lẫn nhân tính.
  • Chí Phèo là hình tượng nhân vật phán ánh hiện thực của xã hội lúc bấy giờ, từ con người lương thiện, chất phác, sau khi ra tù trở thành con quỷ dữ, chuyên rạch mặt ăn vạ.

Chí Phèo và tấn bi kịch không được quyền làm người:

  • Cuộc gặp gỡ định mệnh với thị Nở, đánh thức con người Chí.
  • Bát cháo hành và sự thức tỉnh lương tri của Chí Phèo.
  • Chí Phèo khao khát làm người, khao khát có cuộc sống như ngày xưa đã từng mơ ước.
  • Bà cô thị Nở từ chối cho thị sống cùng với Chí, từ chối quyền làm người, quay lại cuộc sống lương thiện như xưa.
  • Chí Phèo tuyệt vọng, tìm đến bá Kiến đòi “ lương thiện”, đòi quyền làm người và ý thức được kẻ đã tước đoạt quyền được sống như một con người của mình.
  • Chí trả thù bá Kiến và tự kết liễu cuộc đời mình.

Nhận xét chung

  • Giá trị nhân đạo: Tác phẩm là lời tố cáo đanh thép xã hội đã vùi dập, cướp đi quyền làm người của những con người lương thiện. Sự cảm thương sâu sắc của nhà văn, chỉ có tình yêu thương mới cảm hóa được con người.
  • Giá trị nghệ thuật: Nghệ thuật trần thuật, kết cấu truyện độc đáo, xây dựng hình tượng nhân vật, hình tượng nghệ thuật điển hình, tình huống truyện hấp dẫn, lôi cuốn.

3. Kết bài

Chí Phèo là kiệt tác của nhà văn Nam Cao khi xây dựng tuyến nhân vật điển hình, giàu sức thuyết phục. Chí Phèo là hình tượng chân thực, rõ nét nhất về người nông trước trước cách mạng tháng Tám bị tha hóa cả nhân hình lẫn nhân tính.

Nhà văn Nam Cao xuất sắc trong mảng đề tài về người nông dân, nhưng theo cách mới mẻ, độc đáo, không đi sâu vào cuộc sống khó khăn, cơ cực mà lại khai thác nội dung tâm hồn, khao khát, ước mơ của những người nông dân ấy.

phan tich hinh tuong nhan vat chi pheo qua truyen ngan chi pheo bai lam cua hoc sinh gio - Phân tích hình tượng nhân vật Chí Phèo qua truyện ngắn Chí Phèo (bài làm của học sinh giỏi)

Phân tích hình tượng nhân vật Chí Phèo

Bài làm tham khảo

Nhà văn Sê- khốp đã từng nói: “Nhà văn chân chính phải là nhà nhân đạo từ trong cốt tủy”. Nhà văn chân chính phải là người đem hạt mầm sáng tạo của mình gieo vào mảnh đất hiện thực màu mỡ, vun trồng, chăm sóc để nó nở ra những bông hoa làm đẹp cuộc đời. Tác phẩm chân chính phải là tác phẩm mang trong mình tư tưởng cao cả mà giản đơn: “Văn học là nhân học”. Tác phẩm phải viết về con người, “ phải là một tác phẩm chung cho cả loài người… và nó làm cho người gần người hơn.” Nhà văn Nam Cao đã viết như vậy trong tác phẩm Đời thừa của mình và ông cũng không thể đứng ngoài quy luật sáng tạo ấy. Ông đem hạt mầm của mình vào con người, cuộc sống và từ đó nảy lên một “Chí Phèo”. Chí Phèo là tác phẩm viết về người nông dân tên Chí Phèo, từ một con người lương thiện đã bị tha hóa về cả nhân hình lẫn nhân tính, trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại.

Xem thêm:  Phân tích bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương (bài làm của học sinh giỏi)

Chí Phèo chính là con người có “tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình”, vừa phản ánh con người, vừa tái hiện lại một số mặt bản chất của xã hội, thể hiện tính xã hội của con người.

Mở đầu tác phẩm người ta chỉ nghe thấy tiếng chửi của Chí Phèo, của một kẻ say rượu triền miên, của một con quỷ dữ. Nhưng nếu đi ngược lại về quá khứ, cái ngày mà Chí Phèo mới sinh ra. Chí Phèo từ khi sinh ra đã trở thành đứa trẻ mồ côi, bị bỏ rơi ở cái lò gạch cũ “ trần truồng và xám ngắt” được người đi thả ống lươn nhặt về và chuyền tay cho người làng nuôi, từ một bà góa mù, một bác phó cối, rồi khi bác phó cối này mất thì Chí lại bơ vơ, không nơi nương tựa và “ hết đi ở cho nhà này lại đi ở cho nhà nọ” . Năm 20 tuổi, Chí đi làm canh điền cho nhà lí Kiến. Ngày ấy, anh Chí là một thiếu niên sức dài vai rộng, chăm chỉ làm nụng. Giống như bất kì thanh niên nào khác, Chí cũng có những ước mơ của tuổi trẻ, ước mơ “ chồng cuốc mướn, cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ con lợn để nuôi, khá giả mua năm ba sào ruộng để cấy”. Mặc cho một tuổi thơ mồ côi cha mẹ, sống nay đây mai đó, Chí Phèo một thời tuổi trẻ vẫn hiện lên là con người mộc mạc, chất phác, dám mơ ước và có lòng tự trọng. Chí Phèo đi làm canh điền cho nhà lí Kiến, một lần bị bà Ba gọi lên bóp chân cho bà, hắn chỉ thấy nhục, hắn nhận thức được đâu là tình yêu, đâu là thói dâm ô, lẳng lơ ong bướm. Hắn mang trong mình một tâm hồn trong sáng, sự lương thiện, hiền lành mà bất kì người làng Vũ Đại nào lúc bấy giờ cũng phải công nhận, hắn “ hiền như cục đất”. Tuổi trẻ của hắn cũng đẹp, cũng có ước mơ và những khao khát muốn thực hiện, nhưng chính xã hội lúc bấy giờ không cho hắn cái quyền giản đơn ấy. Sau lần ghen tuông của lí Kiến, Chí Phèo bị giải huyện rồi bị đưa vào tù. Bước ngoặt cuộc đời của hắn cũng bắt đầu từ đây.

Sau khi ra tù, Chí Phèo đã thực sự thay đổi, khiến người làng Vũ Đại không ai nhận ra hắn. Chí Phèo “ như thằng sắng cá, cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết”, rồi thì “hắn mặc quần nái với cái áo Tây vàng, phanh ngực ra đầy những nét chạm trổ rồng, phượng,…”. Thực lòng “ trông gớm chết!”. Hắn đã thay đổi, thay đổi nhân hình, thay đổi cái dáng vẻ mộc mạc, thuần chất xưa kia bằng cái vẻ gớm ghiếc. Nhưng đó là sự thực. Người ta vào tù để cải tạo, để thay đổi tốt hơn, Chí Phèo thì ngược lại. Chí Phèo không chỉ thay đổi về nhân hình mà hắn còn thay đổi cả về nhân tính. Hắn về rồi lại bắt đầu uống rượu, người ta thấy hắn uống ở ngoài chợ từ lúc sáng sớm cho đến xế chiều. Hắn uống say khướt rồi xách một vỏ chai rượu đến nhà bá Kiến. Hắn trở nên lưu manh hóa, liều lĩnh và rạch mặt ăn vạ kẻ đã đẩy mình vào tù. Chí Phèo đã hoàn toàn thay đổi, hắn chẳng còn cái vẻ hiền lành ngày trước mà đã trở thành một con người khác, lúc nào cũng trong cơn say triền miên. Thế rồi, cụ bá lại nắm được thóp của hắn, bá Kiến dỗ ngon dỗ ngọt biến Chí Phèo trở thành tay sai của mình. Chí Phèo ăn, ngủ và làm những việc người ta sai khiến trong lúc say và hắn cũng trở thành tay sai của bá Kiến- kẻ thù của mình trong lúc say. Chí Phèo kẻ lưu manh hóa đã bị bá Kiến lợi dụng trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Rồi năm tháng trôi đi, Chí Phèo trở thành người không tuổi. Trong sổ của làng không có tuổi hắn, không có tên hắn. Chí Phèo đã trở thành kẻ không được xã hội loài người công nhận, hắn mất hết nhân hình và nhân tính. Hắn gây ra biết bao tai họa, gieo rắc nỗi đau, làm chảy bao nhiêu máu và nước mắt của những con người lương thiện.  Hắn đã đi đến cùng cực của sự tha hóa và biến chất, Chí Phèo không còn là Chí Phèo của ngày xưa, không còn lương thiện. Hắn đã đánh mất lương tri, nhân tính vốn có của mình, khiến cho cả làng Vũ Đại, cả xã hội xa lánh và tước đi quyền làm người.

Xem thêm:  Cảm nghĩ khi đọc truyện Ông già và biển cả của Hê-minh-uê

Nhưng người ta vẫn luôn mong muốn tìm được chút ánh sáng le lói trong cuộc đời mình. Nhà văn Nam Cao đã đem thứ ánh sáng ấy đến với Chí Phèo bằng cuộc gặp gỡ với thị Nở khi hắn say khướt. Sau cuộc gặp gỡ ấy, linh hồn, nhân tính và lương tâm của Chí Phèo đã sống dậy. Thị Nở tuy xấu xí nhưng thị có thứ mà người khác không có, ấy chính là tình thương. Tình thương giữa người với người làm trái tim Chí Phèo như sống dậy. Tình thương ấy đánh thức phần người bên trong con người Chí bấy lâu, đã đưa Chí Phèo ra khỏi những cơn say triền miên. Hắn chưa bao giờ tỉnh như lúc này. Đầu tiên là hắn tỉnh rượu, hắn tỉnh để sống và tỉnh để yêu. Hắn mơ hồ buồn, cái mơ hồ rất đỗi nhẹ nhàng, nhưng thực là hắn không mơ, hắn đã biết sợ rượu. Không chỉ có vậy, Chí Phèo còn tỉnh cả về nhận thức và tâm lí. Hắn nghe được những âm thanh bên ngoài, tiếng chim hót ngoài kia, tiếng cười nói của những người đi chợ hay tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá. Những âm thanh bình dị, hàng ngày, đến hôm nay hắn mới nghe thấy. Lòng mơ hồ buồn ấy đã đưa hắn về  quá khứ, hiện tại và tương lai. Hắn nhớ về những ước mơ, khao khát thời trai trẻ, được sống một cuộc sống bình dị, có vợ, có chồng và những đứa con. Đang lúc suy nghĩ miên man thì thị Nở bưng bát cháo hành đến. Nồi cháo hành của thị làm Chí Phèo từ ngạc nhiên rồi chuyển qua xúc động. Hắn ngạc nhiên bởi lẽ từ xưa tới nay, hắn chưa thấy ai tự nhiên cho hắn cái gì. Hắn xúc động vì hắn chưa được chăm sóc bao giờ. Chí Phèo ăn một cách ngon lành bởi bát cháo là hương vị của tình yêu thương, của hạnh phúc mà lần đầu tiên hắn có. Chí Phèo bỗng trở thành một con người hiền lành. Tình yêu đã làm thức tỉnh bản chất lương thiện bên trong con người Chí. Hắn muốn trở về cuộc sống của một con người bình thường, lương thiện và chắc chắn thị Nở sẽ là người mở ra con đường ấy cho hắn.

Chí Phèo khao khát làm người nhưng con đường ấy chưa được mở ra mà đã bị chặn đứng lại. Thị Nở về hỏi cô của mình, sự cự tuyệt của bà cô thị cũng chính là định kiến xã hội. Bà cô thị Nở cũng như tất cả mọi người đều coi Chí Phèo là con quỷ dữ. Ngày hôm nay, linh hồn của Chí đã quay trở lại nhưng mọi người đều chưa kịp nhận ra. Sự cự tuyệt của bà cô và lời giận dữ của thị Nở đã ngăn cản con đường làm người của Chí Phèo. Chí Phèo rơi vào tấn bi kịch tâm hồn đau đớn, bi kịch của một người không được công nhận là người. Trong sự tuyệt vọng về cuộc đời và chính mình, Chí Phèo lại uống rượu, nhưng càng uống càng tỉnh. Hắn ôm mặt khóc rưng rức rồi hắn lại uống, uống đến khi say mềm. Chí Phèo xách dao đi, hắn vừa đi vừa chửi và dọa giết “nó”. Hắn nghĩ là một chuyện, nhưng hắn lại xách dao đến nhà bá Kiến. Chí Phèo đến nhà bá Kiến, hắn đòi quyền làm người, đòi quyền được sống như những con người bình thường, có cuộc sống bình dị và có một gia đình nho nhỏ. “ Ai cho tao lương thiện? Tao không thể làm người lương thiện được nữa rồi!” tức thời, hắn rút dao ra đâm chết bá Kiến và tự kết liễu cuộc đời mình. Với Chí Phèo, niềm tin lương thiện còn cao hơn cả khao khát cuộc sống. Thế là Chí Phèo chết, một kiếp người nông dân đau khổ, bị tha hóa, bị lưu manh hóa đã khép lại. Nhưng không biết ngoài kia còn có bao nhiêu con người như thế.

Xem thêm:  Nhà văn lớn người Pháp, Mác-xen Pruts cho rằng: “Đối... biết đến”. Vận dụng phong cách nghệ thuật của một tác giả để phân tích và chứng minh ý kiến trên

Tác phẩm khép lại, cuộc đời của Chí Phèo khép lại. Nam Cao đã chọn cho Chí cái chết ngay trước ngưỡng cửa làm người. Cánh cửa làm người đóng sập lại ngay trước mắt Chí Phèo. Tác phẩm là tiếng nói hiện thực về con người bị tha hóa, từ một người lương thiện, chân chất đã trở thành một con quỷ dữ, khiến cho mọi người ghê sợ. Đồng thời, cũng là lời tố cáo xã hội lúc bấy giờ với những con người như bá Kiến, đội Tảo, lí Cường,… đã đẩy những người nông dân lương thiện vào đường cùng, khiến họ bị tha hóa về cả nhân hình lẫn nhân tính như Chí Phèo, Năm Thọ, Binh Chức. Tác phẩm là kiệt tác của nền văn học hiện thực phê phán. Nhà văn Nam Cao đã thành công trong việc xây dựng cốt truyện độc đáo, nhân vật điển hình vừa mang tính cá nhân, vừa mang tính xã hội, vừa mang cái chung lại vừa có cái riêng. Với nghệ thuật trần thuật xuất sắc cùng kết cấu truyện độc đáo, Nam Cao đã gửi gắm nỗi xót thương trước những cảnh đời bất hạnh có tâm hồn sâu bên trong đẹp đẽ, cũng là lời tố cáo đanh thép xã hội lúc bấy giờ, nửa thực dân, nửa phong kiến không cho người ta quyền làm người. Nếu như văn học hiện thực phê phán lúc bấy giờ chỉ tập trun xoay quanh cuộc sống khó khăn, cùng cực của người nông dân, thì Nam Cao rất khác. Ông khai thác sâu vào đời sống nội tâm của nhân vật, cái đau khổ không chỉ là vật chất mà còn là nỗi đau trong tâm hồn. Người nghệ sĩ chân chính ấy đã lấy con người làm gốc, bám rễ vào cuộc đời, và “sáng tạo những gì chưa ai có”.

Chí Phèo đã trở thành một bản tố cáo đanh thép xã hội thực dân nửa phong kiến không cho người ta cái quyền làm người, tước đoạt đi sự lương thiện vốn có, đẩy người nông dân vào cảnh lầm than, tha hóa, lưu manh hóa. Nhưng sau tất cả, tình yêu thương giữa người với người vẫn nở hoa, vực dậy con người từ trong đau khổ. Nam Cao đã xuất sắc chinh phục những con người yêu sự thật, làm nảy nở trong lòng người những tình thương mãnh liệt, đậm sâu. Và nhà văn – người nghệ sĩ chân chính khi dám sáng tạo, dám đem đến những đề tài cũ mà mới, dùng đôi mắt mới để nhìn mảnh đất cũ sẽ luôn tồn tại trong lòng độc giả, biến độc giả trở thành tri âm, tri kỉ của mình, gieo những hạt giống đẹp đẽ vào vườn hoa văn học, vườn hoa cuộc đời.

Nguyễn Khánh Linh

Lớp 11A1 – Trường THPT Hoàng Văn Thụ, Lục Yên, Yên Bái

Bài viết liên quan