Phân tích câu thơ “Đau đớn thay phận đàn bà, Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”- văn lớp 10
Đề bài: Phân tích câu thơ “Đau đớn thay phận đàn bà, Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”
Bài làm
Nguyễn Du là một danh nhân văn hóa thế giới, ông đã để lại cho nền thi ca Việt Nam rất nhiều tác phẩm hay. Trong những tác phẩm của mình tác giả Nguyễn Du đều thể hiện lên tấm lòng nhân văn, nhân ái của mình trước những số phận của người phụ nữ trong xã hội cũ.
Chính vì vậy, mà tác giả Nguyễn Du đã từng đau đớn thốt lên rằng
Đau đớn thay phận đàn bà,
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.
Hai câu thơ thể hiện sự ai oán, xót xa, nó là sự căm hận phẫn uất của người phụ nữ trong xã hội cũ nhưng người con gái hồng nhan bạc mệnh, như nàng Tiểu Thanh, Vương Thúy Kiều, Đạm Tiên…
Họ đều là những người phụ nữ vô cùng tài sắc, có nhân cách, đức hạnh có lối sống cao đẹp nhưng bị xã hội phong kiến chà đạp vùi dập khiến cho họ đều bạc mệnh, có số phận hẩm hiu, bất hạnh gặp nhiều đa truân trên đường đời.
Những người con gái xưa sinh ra trong xã hội “Trọng nam khinh nữ” chính vì vậy số phận của người phụ nữ từ lúc sinh ra tới khi trưởng thành lớn lên được gả bán, cho tới già chết không hề được quyết định vận mệnh của mình. Họ phải tuân theo tam tòng, tứ đức “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”
Ở nhà thì nghe lời cha mẹ, lớn theo chồng thì phải nghe chồng, chẳng may chồng chết thì phải theo con, thủ tiết thờ chồng không được đi thêm bước nữa.
Trong câu thơ của mình tác giả Nguyễn Du thể hiện sự cảm thông thương xót cho những số phận của người phụ nữ xưa, câu thơ của ông như thấm đẫm đầy nước mắt. Nó chính là lời tố cáo đanh thép của tác giả tới chế độ phong kiến
Trong xã hội ấy người con gái bị tước đoạt mọi quyền sống, quyền hạnh phúc của mình. Hạnh phúc của họ luôn bị những luật lệ phong kiến trói buộc. Không có quyền lên tiếng cho mọi vấn đề.
Thậm chí họ còn bị coi như hàng hóa, dùng để mua bán trao đổi. Chính vì vậy khi người con gái tới tuổi trưởng thành cha mẹ thường nhờ người mai mối cho cưới gả vào những gia đình giàu có quyền quý. Nhà gái thường thách cưới cao, còn nhà trai sau khi mất một món tiền lớn mới cưới được cô gái về làm dâu thường hành hạ, bắt làm việc cực nhọc, để thu lại số tiền đã cưới cô gái.
Chính vậy người xưa có câu “mất tiền mua mâm bà đâm cho thủng” để nói về những bà mẹ chồng hà khắc, ác nghiệt hành hạ con dâu.
Bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương đã viết bài thơ “Bánh trôi nước” như sau:
Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi, ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son
Số phận người con gái xưa thường chịu nhiều hẩm hiu bất hạnh. Họ bị chà đạp nhào nặn theo ý của rất nhiều người trong xã hội, nhưng bản thân họ vẫn giữ tấm lòng chung thủy, sắc son của người con gái vẹn nghĩa chung tình.
Hai câu thơ của tác giả Nguyễn Du thể hiện tâm huyết, tình cảm của tác giả với những người phụ nữ trong chế độ cũ. Nó khiến người đọc cảm thấy nghẹn ngào. Nó như lời than khóc ai oán của những người con gái xưa trong kiếp sống lầm than được tác giả Nguyễn Du hiểu thấu, cảm thông.
Nguồn: Tài liệu văn mẫu