Phân tích bài ca dao “Làm trai cho đáng nên trai, Một trăm đám cỗ chẳng sai đám nào”- văn lớp 10
Đề bài: Phân tích bài ca dao “Làm trai cho đáng nên trai, Một trăm đám cỗ chẳng sai đám nào”
Bài làm
Trong chế độ xưa người con trai luôn được coi trọng hơn người con gái. Cũng chính vì vậy mới có câu “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô“. Tức là một con trai cũng là có còn mười con gái cũng như không.
Chính vì vậy, người con trai luôn được ưu tiên ăn mâm trên, ngồi chiếu trên được lên tiếng nói chuyện, bàn bạc chuyện đời, chuyện nhà, còn người con gái thì chỉ quanh quẩn xó bếp, suốt ngày làm lụng đầu tắt mặt tối không được ra ngoài, không được tham gia việc làng xã…
Người phụ nữ xưa cũng không bao giờ được tự quyết định hạnh phúc của mình mà phải tuân theo tam tòng, tứ đức. Hạnh phúc trăm năm do cha mẹ sắp đặt “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” chứ không có quyền chống đối, hay cãi lại không nghe theo.
Một xã hội như vậy, nên người con trai vô cùng quan trọng có tiếng nói trong xã hội. Mọi việc trong nhà do người con trai tự quyết, việc làng xã cũng do người con trai gánh vác, rồi việc cỗ bàn cũng do người con trai đi ăn uống, nhậu nhẹt đãi đằng…Chính vì vậy, người xưa mới có câu ca dao thể hiện ý chí nam nhi như sau:
Làm trai cho đáng nên trai
Một trăm đám cỗ chẳng sai đám nào
Câu ca dao nhằm mỉa mai châm biếm thói tham ăn, thích tụ tập ăn nhậu của những người con trai thiếu ý chí, không thích làm việc mà thích ăn uống hưởng thụ. Phê phán thói trọng nam kinh nữ của người xưa, khiến cho người con trai luôn được hưởng những ưu đãi, được coi như ông hoàng trong gia đình, còn người phụ nữ thì chịu nhiều vất vả thiệt thòi.
Trong ca dao xưa có nhiều bài ca dao thể hiện ý chí nam nhi của người đàn ông. Những bài ca dao tỏ rõ chí hướng, ước mơ chinh phục bốn phương, học hỏi kinh nghiệm để thể hiện ý chí muốn vươn lên, tạo ra sự nghiệp lớn trong cuộc đời người đàn ông đúng nghĩa.
Làm trai cho đáng nên trai,
Phú Xuân đã trải, Đồng Nai cũng từng.
Làm trai cho đáng nên trai,
Xuống Đông, Đông tĩnh, lên Đoài, Đoài yên.
Làm trai quyết chí tang bồng,
Sao cho tỏ mặt anh hùng mới cam.
Bản thân chữ làm trai cho đáng nên trai đã khẳng định bản lĩnh, ý chí và sức mạnh của người làm trai, đấng đại trượng phu trong xã hội xưa là vô cùng quan trọng. Thể hiện tinh thần đầu đội trời chân đạp đất của người con trai bản lĩnh, có nhiều ước mơ, hoài bão lớn lao.
Người con trai xưa thường có khát khao chinh phục bốn phương “đi một ngày đàng học một sàng khôn” càng đi nhiều nơi nhìn thấy mọi thứ xung quanh mình, người con trai sẽ tích lũy được nhiều kiến thức, vốn sống để có thể phát huy được giá trị bản thân mình, tạo dựng sự nghiệp riêng.
Tuy nhiên, trong bài ca dao “Làm trai cho đáng nên trai. Một trăm đám cỗ chẳng sai đám nào” nhằm ám chỉ người đàn ông tham ăn, lười làm thích hưởng thụ. Không xứng đáng với phận làm trai, với hai chữ nam nhi của mình, chỉ biết suốt ngày quanh quẩn đi ăn cỗ, sống hưởng thụ mà không quan tâm tới những việc to lớn hơn. Những ước mơ tạo dựng sự nghiệp vĩ đại của riêng mình.
Bài ca dao là tiếng cười châm biếm được tạo nên bằng thủ pháp nghệ thuật đối lập. Giữa việc nâng cao giá trị của người đàn ông trong gia đình và trong xã hội với một bên là việc làm vô nghĩa, dư thừa, ham hưởng vinh hoa phú quý, ăn uống. Như người xưa thường nói “miếng ăn là miếng nhục” những người con trai này lại rất thích đi ăn uống, hưởng thụ mà không biết nhục.
Chàng trai trong câu ca dao không lo làm lụng mà chỉ trông chờ hưởng thụ. Không muốn chia sẻ niềm vui ăn uống, sự thanh nhàn này cho người phụ nữ trong nhà. Hễ có cỗ bàn ở đâu là tranh giành đi, diện quần áo đẹp để đi, còn những người phụ nữ thì phải đi làm việc cực khổ, vất vả cho người đàn ông trong gia đình đi ăn cỗ. Điều này thể hiện sự ích kỷ của người đàn ông vốn là trụ cột của gia đình.
Một người con trai mà trong làng xã, hàng xóm có cỗ bàn là có mặt, chỉ chờ có cỗ bàn để tới dự ăn uống, thì chẳng làm được gì có ích cho gia đình và xã hội. Người đàn ông như thế sẽ lãng phí tuổi thanh xuân sức dài vai rộng của mình trên những bàn tiệc, những bữa rượu thịt mà thôi. Không làm được gì ra hồn.
Nguồn: Tài liệu văn mẫu
Từ khóa từ Google
- https://thegioivanmau com/phan-tich-bai-ca-dao-lam-trai-cho-dang-nen-trai-mot-tram-dam-co-chang-sai-dam-nao-van-lop-10