Phân tích bài ca dao “Hòn đá đóng rong vì dòng nước chảy, Hòn đá bạc đầu vì bởi sương sa”- văn lớp 10
Đề bài: Phân tích bài ca dao “Hòn đá đóng rong vì dòng nước chảy, Hòn đá bạc đầu vì bởi sương sa”
Bài làm
Trong kho tàng văn học dân gian của nước ta hình ảnh thiên nhiên luôn gắn liền với những nỗi niềm tâm sự của người nông dân lao động như chiếc khăn thương, chiếc gầu sòng hay hòn đá vọng phu…
Bài ca dao thể hiện tình cảm nam nữ, nỗi nhớ thương của người con gái dành cho chàng trai của mình nhưng không thể tâm sự cùng ai. Hình ảnh hòn đá là hình ảnh ẩn dụ thể hiện tâm tư tình cảm của người con gái đang yêu.
Hòn đá đóng rong vì dòng nước chảy,
Hòn đá bạc đầu vì bởi sương sa.
Em với anh cũng muốn kết nghĩa giao hòa,
Sợ mẹ bằng biển, sợ cha bằng trời.
Em với anh cũng muốn kết tóc ở đời,
Sợ rằng mây bạc giữa trời mau tan.
Người con gái trong bài ca dao này đã đem lòng thầm thương trộm nhớ người con trai của mình. Nhưng cô lo lắng tuổi xuân ngắn chẳng tày gang, lo sự cách trở cản ngăn của xã hội, bố mẹ, lo sợ sự thay đổi của lòng người sẽ khiến cho tinh duyên dang dở.
Bài ca dao là những tâm sự chất chứa trong lòng của người con gái đang yêu gửi tới người con trai của mình. Những nỗi niềm suy tư sâu lắng chẳng biết tỏ cùng ai nên đành nhờ những câu thơ trải lòng tâm sự
Bài ca dao mở đầu bằng hình ảnh quen thuộc trong dân gian hình ảnh hòn đá đóng rong, hòn đá bạc đầu… hình ảnh núi đá, nước non là hình ảnh ẩn dụ thể hiện cho sự chung thủy son sắc của người xưa đối với nhau. Một lời nói ra nặng tựa núi đá, đã thề hẹn chung tình thì cho dù nước chảy đá mòn cũng không bao giờ thay đổi.
Nghệ thuật sử dụng “điệp từ” hòn đá thể hiện sự mạnh mẽ trong mỗi câu thơ, tượng trưng cho tình yêu của người phụ nữ sắc son một lòng. Khi họ đã yêu ai thì nguyện chung thủy trước sau như một không bao giờ thay đổi dù thời gian có bao lâu thì lời thề hẹn vẫn khắc ghi tạc dạ.
Em với anh cũng muốn kết nghĩa giao hòa,
Sợ mẹ bằng biển, sợ cha bằng trời.
Em với anh cũng muốn kết tóc ở đời,
Sợ rằng mây bạc giữa trời mau tan.
Cô gái trong bài ca dao này là người tôn thờ, tình yêu, cô ước mơ được gắn bó hạnh phúc đời mình với người đàn ông mà mình đã ước hẹn. Những lo lắng trong tình yêu là điều không thể nào tránh khỏi.
Cô gái lo lắng cha mẹ hai bên ngăn trở không ưng thuận tình cảm của đôi trẻ, lo lắng tuổi xuân con gái có thì, khi mà chàng trai thì cứ biền biệt nơi xa, chỉ sợ cô gái chờ mãi mà chàng trai chẳng về đến khi về thì tuổi xuân con gái còn đâu.
Rồi cô gái lại lo lắng sự thay đổi của lòng người. Không biết có bền lâu, những lo lắng trăn trở khiến người con gái ngày càng suy tư, sầu muộn trong nỗi nhớ nhung tương tư của mình.
Tình yêu của đôi trai gái là hoàn toàn chính đáng, những nguyện ước được gắn bó, chung đôi xây dựng tổ ấm của họ là hoàn toàn hợp tình hợp lý nhưng do cô gái sinh ra trong xã hội phong kiến.
Một xã hội vốn nặng lễ giáo “trọng nam khinh nữ” người con gái không thể tự mình ước hẹn, quyết định tương lai hạnh phúc của mình, mà cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Nên việc cô gái lo lắng sự ngăn trở của cha mẹ là điều dễ hiểu.
Những nỗi băn khoăn lo lắng của nhân vật trữ tình trong bài ca dao thể hiện những mâu thuẫn trong lòng của cô gái một bên cô gái khao khát có được hạnh phúc lứa đôi, được kết tóc se tơ với người đàn ông mình hẹn ước.
Nhưng cô sinh ra trong chế độ lễ giáo người con gái phụ thuộc rất nhiều vào cha mẹ, vào gia đình số phận của họ không do họ quyết định được, nên cô gái có tâm trạng mâu thuẫn lo lắng vô cùng.
Bài ca dao thể hiện câu trúc ngắn gọn, dễ hiểu thể hiện cảm sâu sắc của cô gái trong tình yêu, thể hiện khát khao có được hạnh phúc lứa đôi như mình lựa chọn của người con gái xưa. Người phụ nữ xưa khát khao được tự do yêu đương được quyết định quyền lựa chọn hạnh phúc đời mình.
Nguồn: Tài liệu văn mẫu