Nghị luận xã hội về sự lười biếng – Văn mẫu lớp 9
Nghị luận xã hội về sự lười biếng – Bài làm 1
Từ xa xưa, ông cha ta đã có câu: “Cần cù bù thông minh”, với mục đích đề cao sự chăm chỉ, cần mẫn khi làm việc, học tập. Tuy nhiên, từ xưa đến nay, ở xã hội nào cũng luôn tồn tại sự lười biếng. Vậy, làm thế nào chúng ta có thể hạn chế được sự lười biếng này?
Trước hết, chúng ta cần đi tìm hiểu: Sự lười biếng là gì? Đó là trạng thái của sự không hoạt động và sự kháng cự nội tâm để rồi không cố gắng, không hành động. Đó là một trạng thái thụ động và để mặc mọi thứ như nó đã vốn có, kể cả đối với những trách nhiệm và nghĩa vụ mà mình phải thực hiện.
Vậy, nguyên nhân của sự lười biếng là gì? Theo tôi, lí do đầu tiên và quan trọng nhất đó là do bản thân con người. Trong con người ta luôn tồn tại phần “con” và phần “ người”. Đối với những người để phần “con” lấn át phần “người” sẽ dẫn đến việc chỉ thích hưởng thụ mà không muốn làm việc, chỉ muốn trốn tránh mà không muốn bắt tay vào làm những việc mà mình phải làm. Có ai muốn đang nằm trong chăn ấm áp mà phải ngồi dậy học bài đâu cơ chứ? Nhưng những người có quyết tâm sẽ áp chế được sự lười biếng và ngồi dậy học bài. Còn những người lười biếng thì sẽ yên tâm ngủ tiếp, mặc kệ hậu quả là sáng mai sẽ bị kiểm tra bài, bị điểm kém…
Nguyên nhân tiếp theo phải kể đến sự phát triển của xã hội, dẫn đến sự phát triển của khoa học kĩ thuật. Máy móc hiện đại giúp con người không cần phải hoạt động nhiều, cả về tay chân lẫn trí óc. Dần dần, sự phụ thuộc quá nhiều vào máy móc sẽ khiến con người ta trở nên lười biếng, trì trệ, không linh hoạt. Tiến bộ là tốt, nhưng con người cũng phải tự hoàn thiện bản thân để có thể sử dụng được máy móc, chứ không phải chỉ dựa vào những thứ máy móc làm cho mình ngày càng thụ động. Những thứ có sẵn cũng ngăn cản sự sáng tạo của chúng ta. Những bài văn mẫu nhan nhản khắp nơi khiến nhiều bạn chẳng buồn mất công suy nghĩ. Những lời giải bài toán có sẵn làm chúng ta cứ chép vào một cách đối phó mà chẳng thèm hiểu cách làm.
Sự phát triển của các thiết bị công nghệ, của Internet cũng góp phần dẫn đến sự lười biếng của con người nói chung và của học sinh nói riêng. Mỗi khi ngồi vào bàn học, chúng ta lại có thể bị hấp dẫn bởi việc lên mang, lướt facebook và chơi điện tử, chúng ta tặc lưỡi: “chỉ chơi một chút thôi rồi học”. Cuối cùng thì “một chút” ấy là cả buổi học tối và chúng ta lại tự nhủ: “Thôi sáng mai dậy học.”. Tất nhiên, đa số câu “sáng mai dậy học” sẽ bằng với không học. Dần dà, sự lười biếng cứ ăn sâu, len lỏi và trở thành thói quen khó bỏ, trở thành bản chất. Điều này là vô cùng nguy hiểm. Nó sẽ khiến cho chúng ta không thể có được những thành công mà chúng ta mong muốn, dần dà nó sẽ khiến cho mỗi cá nhân ngừng trệ, không phát triển, dẫn đến hậu quả xấu cho toàn xã hội.
Như vậy, mỗi người trong chúng ta cần nhận thức được tác hại của sự lười biếng, đồng thời có những biện pháp của riêng mình để hạn chế sự lười biếng ấy. Chúng ta cần lập thời gian biểu cho mình và thực hiện một cách nghiêm ngặt, tích cực rèn luyện khả năng tự làm – tự suy nghĩ, không quá phụ thuộc vào một thứ gì đó, một ai đó trợ giúp. Và quan trọng nhất là chúng ta phải có sự quyết tâm cao độ, quyết tâm chăm chỉ, quyết tâm loại bỏ sự lười biếng, quyết tâm biến ước mơ thành hiện thực.
Thi thoảng lười biếng sau những ngày học tập, làm việc thì không xấu, nhưng để lười biếng trở thành căn bệnh thì mọi chuyện sẽ rất tồi tệ. Mỗi người trong chúng ta cần phải nhận biết tác hại của sự lười biếng, cần luôn luôn tự nhắc nhở bản thân biết vượt qua sự lười biếng, hoàn thiện bản thân và phấn đấu để đạt được ước mơ của mình.
Nghị luận xã hội về sự lười biếng – Bài làm 2
Lựa chọn con đường đi là điều đầu tiên mà mỗi người khi trưởng thành cần phải xác định rõ. Thế nhưng để có thể đi hết con đường ấy bằng chính đôi chân, bằng nghị lực của bản thân mình thì cần cả một quá trình. Nếu như chúng ta chăm chỉ, chúng ta sẽ đạt được; nhưng nếu như lười biếng thì chúng ta sẽ không có gì hết. Lười biếng là một thói xấu của con người, cần phải sửa đổi.
Lười biếng là có thể xem là thói hư tật xấu của rất nhiều người, không chịu hoạt động, không chịu suy nghĩ, nhanh bỏ cuộc và không có khả năng phấn đấu và cố gắng. Lười biếng tạo thành thói quen và thành “căn bệnh” nan y rất khó chữa. Bởi vậy, đối với nhiều người thì lười biếng có tác hại rất lớn đối với công việc cũng như quá trình hoàn thành nhân cách của cá nhân.
Lười biếng thực ra ban đầu cũng chỉ là những cử chỉ nhỏ nhặt như lười làm bài tập về nhà, lười tư duy, động não những bài toán khó. Nhưng dần dần nó sẽ tích tụ thành thói quen không tốt và ảnh hưởng rất lớn đến bản thân người đó.
Lười biếng có thể là bản chất nhưng trong số một trường hợp thì nó không phải là bản chất, mà là do chính bản thân mình tạo nên. Khi lười biếng thì bản thân sẽ không chịu cố gắng, gặp khó là nản lòng, không có quyết tâm để thực hiện công việc đến cùng. Gắn với sự lười biếng chính là thiếu kiên trì, kiên nhẫn, không có ý chí để cố gắng.
Trong cuộc sống chúng ta phải đối mặt với rất nhiều thứ, để trưởng thành, để làm người tốt, ngoài khả năng thì còn cần đến sự chăm chỉ, kiên trì. Đây là đức tính tốt giúp bản thân giành được thắng lợi nhanh nhất.
Lười biếng để lại hậu quả xấu đối với mỗi người, không những làm giảm đi ý chí cố gắng, phấn đấu của con người mà còn khiến cho họ ngày càng nhu nhược, không cố gắng nữa. Có một số người vì lười biếng nên ỷ lại, sống dựa dẫm vào người khác. Điều này thật đáng buồn.
Hiện nay sự phát triển của mạng lưới Internet khiến cho mọi người lười đi. Người ta vẫn nói cái gì không biết thì tìm kiếm trên google, chính mạng Internet đã làm lười đi nhiều bạn học sinh. Các bạn ngang nhiên chép văn mẫu, chép đáp số ở ngay trên các trang mạng. Thực tế này đã xảy ra suốt bao nhiêu năm ở đất nước ta.
Cha ông ta có câu “Cần cù bù thông minh” chính là việc nhấn mạnh đức tính cần cù, chăm chỉ là điều mà mỗi người cần phải có. Khi có được sự chăm chỉ thì mọi việc dù có khó đến đâu vẫn cố gắng được. N là học sinh lớp 12, sắp thi tốt nghiệp và đại học, nhưng gia đình N không có điều kiện, và N không có thời gian để đi học thêm. Nhưng cô bạn rất chăm chỉ, kiên trì. Cô tranh thủ thời gian để học mọi lúc, mọi nơi để có thể chạm tới ước mơ của mình.
Như vậy, bên cạnh đức tính lười biếng thì vẫn còn có rất nhiều người chăm chỉ, kiên trì, không ngừng cố gắng. Và tất nhiên kết quả mà họ đạt được sẽ khiến nhiều người ngưỡng mộ. Khi chúng ta không đủ năng lực thực hiện thì hãy dùng sự kiên nhẫn, chăm chỉ, chắc chắn thành công sẽ đến.
Thật vậy, đừng để sự lười biếng của bản thân khiến cho tương lai của bạn rơi vào vũng bùn. Hãy tự biết cách hoàn thiện bản thân bằng cách trở thành con người chăm chỉ mỗi ngày.
Nghị luận xã hội về sự lười biếng – Bài làm 3
Xã hội ngày càng phát triển, công nghệ ngày càng hiện đại, thì đất nước ta sẽ ngày một giàu mạnh hơn và kéo theo đó con người chúng ta cũng có nhiều thời gian rãnh hơn để dành cho gia đình,người thân và bạn bè của mình. Những tưởng như thế thì cuộc sống của mọi người, mọi nhà sẽ hạnh phúc hơn. Nhưng không, dường như tất cả đang diễn ra ngược lại. Thời gian đó họ không dành cho gia đình, bạn bè hay người thân của họ, mà họ lại dành để dán mắt vào điện thoại, Internet, game hay facebook… Và hệ lụy ở đây là căn bệnh ung thư “lười biếng” xuất hiện.
Hẳn ai trong số chúng ta cũng đều đã từng được nghe từ lười biếng rồi nhỉ, nhưng có phải ai cũng hiểu từ lười biếng có nghĩa là gì không? Theo tôi, sự lười biếng được hiểu theo nghĩa đơn giản nhất đó là sự ỷ lại vào ngày mai, các bạn cho rằng hôm nay mình đang mệt, không muốn làm một việc gì đó mà nghĩ rằng, “thôi để mai làm cũng được”. Các bạn không thích hoạt động, không muốn động chân, động tay hay động não để suy nghĩ, để làm một việc gì hết. Các bạn chỉ thích hưởng thụ, rồi lại trông chờ vào ngày mai.
Vậy thì nguyên nhân của sự lười biếng trên là sao, do đâu mà có? Trước hết, nguyên nhân đầu tiên là do chính bản thân chúng ta, và đây cũng là nguyên nhân quan trọng nhất. Với những bạn học sinh, sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường, sự lười biếng thể hiện trong học tập, trong các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ ở trường và trong các công việc ở nhà nữa. Sự lười biếng xuất hiện khi chúng ta ỷ lại vào ngày mai, vào giờ học bài, các bạn tự thưởng cho bản thân nghỉ ngơi ít phút bằng cách chơi game, vào facebook đọc tin tức hay chát chít với các bạn khác, có bạn lại lướt Internet,… rồi cứ thế, thời gian trôi đi, các bạn tự nhủ là chỉ thêm một xíu nữa thôi, một xíu tới khuya luôn. Cách cứu nguy lúc này là, “ôi dào, giờ mệt rồi, ngủ đã, mai lên mượn vở của con A, thằng B chép đại cũng được”. Rồi lên lớp, các bạn cuống cuồng giật vở của bạn này bạn kia chép đại để qua mắt thầy cô. Hay khi trường tổ chức các hoạt động giao lưu để hoàn thiện kỹ năng mềm cho các bạn, thì chính các bạn lại từ chối, lại than đi học cả ngày đã mệt rồi còn lên trường làm gì nữa, ở nhà ngủ cho khỏe. Đây chính là lúc những con vi rút “lười biếng” đang dần dần xâm nhập vào cơ thể bạn, và từ từ nhen nhóm lên cái mầm mống lười biếng trong bạn. Và rồi theo thời gian, cái mầm mống đó sẽ bắt đầu lớn nhanh hơn, lan rộng hơn, không chỉ trong học tập, mà trong các công việc khác nữa. Về nhà, bố mẹ nhờ quét nhà, nhờ nhặt rau hay nhờ rửa chén, thì các bạn lấy cớ bận học rồi đi thẳng lên phòng, không quan tâm gì đến bố mẹ đã vất vả, cực nhọc đến bao nhiêu. Mà lên phòng, các bạn cũng có học bài đâu, mà chỉ chúi mũi vào facebook, vào game, ….rồi cứ thể ngủ luôn chẳng thèm nhìn đến bài vở gì hết. Những việc nhỏ nhặt ban đầu có thể chúng ta không để ý, nhưng lâu dần, tích lại sẽ tạo thành một thói quen khó bỏ, đợi đến lúc “nước đến chân mới nhảy”. Ví dụ như, chủ nhật tuần sau thi, chúng ta thường ỷ lại, thôi thì nghỉ chơi thứ hai, thứ ba, để thứ tư hay thứ năm học cũng được, rồi cứ lần lữa mãi, tới thứ sáu, thứ bảy cũng chưa học được, để đến hôm thi lại quay tài liệu, quay bài của bạn này, bạn kia. Và hậu quả thì không ai nói trước được, bị thầy cô bắt được lập biên bản và bị kỷ luật, nghiêm trọng hơn nữa là trong đầu chúng ta chẳng có gì, để khi ra trường chúng ta lại trách ngược lại thầy cô.
Một nguyên nhân nữa không thể không kể đến đó là do sự phát triển của xã hội, của công nghệ thông tin, của những thiết bị kỹ thuật tiên tiến, hiện đại. Ngày trước, ông bà, cha mẹ chúng ta làm ruộng, cấy lúa tất cả đều bằng sức người, nhưng ngày nay thì ngược lại. chúng ta đã có máy cấy lúa, máy gieo mạ, đã có máy cày xới đất, tất cả đều nhờ công nghệ, những bác nông dân nay đã có nhiều thời gian hơn, cuộc sống thoải mái hơn. Những người phụ nữ nội trợ cũng vậy, nấu cơm nay đã có nồi cơm điện, giặt giũ thì có máy giặt, … Người người nhà nhà đều sắm sửa cho mình những loại trang thiết bị tốt nhất, hiện đại nhất. Những tưởng cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn, nhưng không. Mấy bác nông dân kia thay vì về nhà ăn cơm với vợ con thì thích la cà, nhậu nhẹt, mùa vụ tới cũng mặc, cậy có máy móc rồi nên xuống giống trễ một chút cũng không sao, kết quả là có khi gặp thời tiết xấu, mưa gió, bão lụt, hạn hán và mất trắng là điều không thể tránh khỏi. Người vợ hiền, người mẹ đảm ngày nào đang dần biết mất, thay vào đó là những cô vợ, những bà mẹ thích làm đẹp, ăn diện chụp hình để khoe khoang với người khác. Và những bạn học sinh sinh viên chăm chỉ ngày trước luôn miệt mài lên thư viện học bài để chuẩn bị cho mùa thi sắp đến cũng dần thưa thớt đi. Các bạn chỉ việc ngồi nhà, cái gì không biết hay không hiểu thì gõ google là ra ngay. Tính ỷ lại xuất hiện vào những lúc như thế, công nghệ thông tin phát triển làm cho chúng ta thoải mái tiện lợi hơn, nhưng cũng là lúc làm cho chúng ta lười hơn.
Vậy hậu quả của những việc này là gì? Hẳn không ít người trong chúng ta đã được trải qua. Những bạn học sinh, sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường nhưng không coi đó là trường học, là nơi chúng ta tu dưỡng rèn luyện đạo đức, trí thức để sau này thành người có ích cho xã hội, mà các bạn biến trường học thành nơi để đối phó với cha mẹ, thầy cô và hơn hết là với chính bản thân mình. Các bạn coi nó như nhà tù, mà mỗi ngày các bạn đều phải đến đó để những người quản giáo là thầy cô tra hỏi, dò xét. Cái kết cho những cô cậu học trò, những anh chị sinh viên là sự thiếu đạo đức, thiếu trách nhiệm, thiếu cả tri thức nữa. Các bạn đang tự mình hủy hoại chính mình, làm cho mình trở thành những con người bị xã hội bài trừ vì không thể đáp ứng được sự phát triền ngày một mạnh mẽ của đất nước chúng ta. Thậm chí, có nhiều bạn còn bán cả linh hồn của mình cho quỷ dữ chỉ vì thói quen hưởng thụ mà không chịu lao động, không chịu làm việc đã in hằn rất sâu vào não không thể nào thay đổi được. Những người này chấp nhận làm những việc xấu xa, tồi tệ nhất để có tiền tiêu xài như lấy cái mác rằng mình là sinh viên rồi hành nghề bán dâm để có giá cao hơn, số khác thì đi trộm cắp, cướp giật và tồi tệ hơn nữa là chỉ vì tiền mà sẵn sàng cướp đi mạng sống của người khác. Họ không chỉ hủy hoại chính mình, mà còn làm cho bố mẹ, bạn bè và những người thân trong nhà đau lòng, khổ sở biết bao. Cũng chính vì sự lười biếng mà những bác nông dân hiền lành chăm chỉ thuở nào dần dần biến chất thành những con người xấu xa nhất. Thay vì cày xới đất kỹ càng như trước để tránh được sâu bệnh vào vụ mùa tới họ lại ỷ vào thuốc trừ sâu, vào phân bón hóa chất. Họ để máy cày xới sơ sài rồi gieo hạt, trồng cây luôn, khi cây có sâu bệnh thì phun hết thước này đến thuốc khác, khi rau màu đang đắt đỏ thì chỉ cần một liều thuốc kích thích là mai họ bán được luôn, số tiền lợi nhuận làm họ mờ mắt. Họ không biết rằng chính mình vừa mới đầu độc mọi người, trong đó có gia đình, con cái và cả chính mình nữa. “Chưa bao giờ con đường từ bàn ăn tới nghĩa địa lại gần như lúc này”, câu nói này quả không sai.
Bên cạnh những người lười biếng, ỷ lại, thích hưởng thụ vẫn có những người ngày đêm miệt mài làm việc, nghiên cứu ra những công trình, những thiết bị mới để phục vụ cho mọi người. Đó là những học sinh chăm ngoan, đến trường với ước mơ sau này tốt nghiệp ra trường sẽ làm được nhiều việc có ích cho gia đình, cho xã hội. Là những người nông dân vì thấy cảnh những người nông dân khác hám lời nên coi thường sinh mạng luôn cố gắng làm việc, chỉ mong trồng được những luống rau sạch, những hạt lúa thơm để bữa cơm của mọi nhà thêm phần ấm cúng hơn. Đó còn là những cô chú vệ sinh môi trường luôn làm việc chăm chỉ cần mẫn từ sáng sớm tới tối muộn để làm sạch những con đường ngõ xóm, trả lại bầu không khí trong lành nhất có thể. Sao ta lại không học tập họ nhỉ.
“Cần cù bù thông minh”, câu nói của ông bà ta để lai quả không sai. Chúng ta đừng vì một chút lợi ích nhỏ trước mắt mà hủy hoại đi tương lai tốt đẹp của chính mình. Hãy rèn luyện đạo đức cho tốt, hãy học tập tích lũy tri thức nhiều nhất bạn có thể, để sau này ra đời bạn cũng sẽ làm được những ông này bà nọ, chứ đừng mơ mộng hão huyền, cũng đừng trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác như anh chàng nằm chờ sung rụng, mà sung cứ rụng trật ra ngoài hết, rồi nhờ người giúp đỡ ai dè lại gặp ngay một người lười hơn mình nữa. Lâu lâu các bạn cũng có thể lười biếng, nhưng hãy lười biếng đúng cách và có điểm dừng nhé!
Nghị luận xã hội về sự lười biếng – Bài làm 4
Từng có câu: "Ngọc không mài không sáng, người không học không hiểu lí lẽ", việc học có ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của mỗi người. Một con người nếu không được học tập thì khó mà đứng vững trên đường đời.
Bởi thế mà, từ xưa ông cha ta luôn nhắc nhở con cháu phải cố gắng học hành, phấn đấu rèn luyện thật tốt. Ấy vậy mà, trong thời đại phát triển như hiện nay, một thực trạng đáng buồn là có nhiều học sinh lơ là, chán nản việc học. Điều này không chỉ ảnh hưởng xấu đến cá nhân học sinh mà còn tác động sâu sắc đến sự phát triển bền vững và ổn định của đất nước, của xã hội. Cá nhân học sinh: lười nhác, chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của tri thức, lơ đãng, chỉ lo đua đòi theo chúng bạn mà quên mất nhiệm vụ chính của mình, bị bạn bè lôi kéo, không xác định rõ con đường tiếp theo mà mình bước đến, chưa có lí tưởng và tư tưởng vững chắc, không có ước mơ để làm mục tiêu phấn đấu…
Gia đình, cha mẹ quá nuông chiều con cái, chưa có sự quan tâm cần thiết với quá trình học tập của học sinh, tạo áp lực quá nhiều cho con trong việc học hành mà không quan tâm đến cảm giác và suy nghĩ của con mình… Nhà trường: thầy cô giáo chưa tạo được sự thu hút học sinh vào học tập, chưa đánh trúng tâm lí học sinh, còn nhiều cách dạy bảo thủ. Mặt khác, chương trình học quá nặng với học sinh, áp lực từ nhiều phía, theo tâm lí: không học thêm thì học không giỏi khiến học sinh chỉ biết cắm đầu học nìà không biết mình học vì cái gì và tiếp thu được gì.
Xã hội: cùng hoà vào nhịp độ phát triển của thời đại, xã hội nước ta có nhiều biến đổi vừa tích cực vừa tiêu cực. Trong đó việc tiếp thu thiếu chọn lọc các nền văn hoá của nước ngoài cũng ảnh hưởng đến tâm lí học hành của học sinh. Sự xuất hiện của các trò chơi điện tử thu hút sự chú ý của học sinh, các kiểu ăn diện, phim ảnh làm thế giới học trò lúc nào cũng xao động mà lơ đãng đến nhiệm vụ chính của mình. Nhiều học sinh bỏ tiết, trốn học đi chơi, chui đầu vào các quán nét để giết thời gian thay vì lên lớp. Thành tích học tập đã xuống dốc nhiều. Có nhiều học sinh bỏ bê học hành và lao vào các tệ nạn xã hội. Cá nhân học sinh: tương lai mờ mịt, không có định hướng cho phía trước, khi trưởng thành sẽ khó có nghề nghiệp ổn định, từ đó làm gánh nặng của xã hội (một số trường hợp hiếm hoi thì có chiều hướng tích cực hơn), có sự tha hoá và xuống dốc về đạo đức, không nhận ra giá trị của cuộc sống và không biết cách trân trọng, lỡ mất tuổi trẻ…
Gia đình sẽ mất đi niềm tin nơi con cái, khi thấy thành tích của con không như mình mong đợi thì có những thái độ gắt gỏng, không vui, gia đình không hoà hợp. Xã hội: về lâu dài sẽ tác động rất lớn đến sự phát triển của toàn xã hội, học sinh là thế hệ trẻ của xã hội nhưng đội ngũ này không có chất lượng thì không đảm bảo phát triển bền vững, nguồn nhân lực kém… Cá nhân học sinh: cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình và có ý thức hơn, xác định cho mình một ước mơ, động lực học tập, biết cách kết hợp hài hoà giữa chơi và học, có lập trường vững chắc… Nhà trường: thay đổi phương pháp dạy và học, nắm bắt tâm lí học sinh, tạo sự hứng thú trong học tập, phát huy tính năng động của học sinh, chương trình học phải phù hợp vs học sinh, không nên quá nặng và tạo quá nhiều áp lực. Gia đình nên có cái nhìn thoáng hơn, không nên làm học sinh quá căng thẳng, không quá nuông chiều, quan tâm nhiều hơn đến con mình… Xã hội cần tuyên truyền rộng rãi để làm tăng nhận thức của mọi người, có nhiều chương trình khuyến học hơn, có ý thức trong tiếp thu văn hoá nước ngoài… Hiện tượng này có sự tác động từ nhiều phía, nhưng nhìn một cách khách quan thì chủ yếu là từ các yếu tố bên ngoài bởi thế mà học sinh mới có sự chán nản và lười học, có thể nói ngay đến cả những học sinh chăm chỉ nhất cũng chưa chắc đã thực sự muốn kéo dài tình trạng này, chương trình nặng, áp lực quá cao…
Điều quan trọng là ý thức của mỗi người, cần có cái nhìn về nhiều phương diện để có thể đánh giá và có cái nhìn đúng nhất. Học tập là chuyện của mỗi người nhưng cũng là vấn đề rất quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của cả xã hội. Tuổi trẻ là mùa xuân của xâ hội, bởi thế mà nếu mùa xuân ấy chưa đến mà đã vội lụi tàn thì xã hội sẽ như nhà mà không có cột vậy.
Từ khóa từ Google
- https://thegioivanmau com/nghi-luan-xa-hoi-ve-su-luoi-bieng-van-mau-lop-9