Anh chị có suy nghĩ gì về câu nói “Tháng giêng là tháng ăn chơi” -văn lớp 12
Đề bài: Anh chị có suy nghĩ gì về câu nói “Tháng giêng là tháng ăn chơi”
Bài làm
Nước ta là một nước ăn Tết theo lịch mặt trăng, thường ăn tết âm lịch chậm hơn so với Tết dương lịch theo sự vận động của mặt trời khoảng hơn một tháng. Tết là dịp mà cả gia đình được quây quần sum vầy bên nhau. Những người con dù ở xa hay ở gần cũng đều trở về quê hương bên những người thân yêu của mình.
Tháng giêng cũng là tháng có nhiều hội hè đình đám nhất trong năm. Như lễ hội chùa Hương hay lễ hội Lim ở Bắc Ninh, hội Đình Bảng, hội Yên Tử, hội chùa Keo…được diễn ra trong những ngày đầu năm mới ở trên cả nước.
Do đó, người xưa thường có câu “Tháng giêng là tháng ăn chơi” hoặc “Tháng giêng làm nghiêng bồ thóc” để thể hiện sự tiêu pha tốn kém trong những ngày tháng giêng khi tết Nguyên Đán vừa đi qua.
Nguyên nhân khiến cho tháng giêng trở thành tháng có nhiều lễ hội, đình đám là do nó là tháng đầu tiên, của năm mới là tháng mà khi con người vừa ăn một cái Tết khang trang ấm cúng bên gia đình và người thân tâm trạng vẫn còn phấn khởi vui vẻ, lâng lâng cảm giác vui sướng của những đầu xuân. Mong cho năm mới sẽ an lành, thịnh vượng hơn những chuyện buồn phiền không may sẽ theo năm cũ đi mãi.
Chính vì vậy, tâm lý muốn tận hưởng trọn vẹn một tháng rong chơi, thoải mái không phải nghĩ nhiều tới công việc, cơm áo gạo tiền đã ngấm sâu và trong tiềm thức của người dân nước ta. Nó trở thành truyền thống bao đời nay của dân tộc ta. Nên sau khi Tết Nguyên Đán kết thúc mọi người đều phải đi làm trở lại.
Nhưng những ngày đầu tiên khi bắt đầu năm mới những người làm việc hành chính, văn phòng đều dành thời gian đi chúc tết các công ty đối tác. Anh em công nhân viên gặp gỡ đầu năm, chúc tụng và mừng tuổi cho nhau một năm mới gặp nhiều may mắn.
Họ thường không tập trung làm việc luôn mà chỉ đi du xuân, đi lễ chùa dâng sao giải hạn, gieo quẻ đầu năm,…Vì thế mà có hiện tượng như báo chí đã nêu là xe công biển xanh nhưng đi làm việc riêng, tới những chỗ lễ hội chùa chiền vô cùng nhiều.
Trong khi đó, nhà nước chúng ta đã lên kế hoạch thực hiện tiết kiệm, tránh lạm dụng tiền bạc nhà nước gây thất thoát tiền thuế của nhân dân vào việc vô bổ lãng phí. Nhưng hiện tượng những người có chức quyền lợi dụng quyền hạn sử dụng xe công, thời gian nhà nước để đi làm việc riêng vẫn còn rất nhiều.
Cùng với thiên nhiên đất trời khi thời tiết bước vào thời kỳ giao mùa đầy quyến rũ. Cây cối thi nhau nảy nở, đâm chồi nảy lộc. Con người cũng muốn hòa mình và trong không khí tươi vui của mùa xuân của đất trời để tận hưởng những niềm vui hiếm có chỉ thấy trong tháng giêng mà thôi.
Việc con người tham gia các lễ cũng có một phần nguyên nhân do tín ngưỡng tôn giáo của nước ta. Chúng ta chủ yếu là những người theo đạo phật, hướng phật nên thường có tâm lý không an tâm khi mình không đi tới chùa chiền, cầu xin đức phật từ bi che chở. Ai có hạn trong năm mới thì dâng sao giải hạn, ai không có hạn thì cầu tài cầu lộc, cầu công danh sự nghiệp, con cái tình duyên… mỗi người chúng ta ai cũng có những mong muốn riêng của mình muốn được đức phật thương tình phù hộ.
Người xưa có câu “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành” chính vì vậy con người thường thích đi chùa vào dịp đầu năm để những lời cầu xin của mình có thể linh nghiệm tới tai đức phật nhanh hơn. Hay có nhiều người nói “Đi lễ quanh năm không bằng rằm tháng giêng” để chỉ sự quan trọng của việc tới chùa chiền trong dịp tháng giêng.
Do tháng giêng không làm việc nhiều mà lại thường xuyên tiêu tiền vào việc ăn uống, cỗ bàn, đi chơi chúc tụng, lễ hội chùa chiền. Nên tháng giêng làm nghiêng bồ thóc cũng là điều dễ hiểu. Bởi tiền bạc dù có nhiều tới mấy thì miệng ăn núi lở, huống hồ con người chỉ ăn chơi, hội hè không lo chú tâm làm ăn, không lo công việc trì trệ, thì việc gặp khó khăn trong công việc hoặc nghèo vẫn hoàn nghèo là việc tất nhiên.
Đức phật có đại từ đại bi cũng không thể giúp đỡ cho những con người suốt ngày ăn chơi, lễ hội mà không lo làm lo ăn thì làm sao có thể sinh ra của cải vật chất được. Làm sao có thể thành công trong công việc, đắc tài đắc lộc…
Câu nói này muốn phản ánh hiện thực xã hội trong tháng giêng khi mùa xuân tới. Nó thể hiện quan điểm của người xưa muốn dành một tháng để hưởng thụ cuộc sống sau một năm làm lụng cực nhọc vất vả, một nắng hai sương trên đồng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện đại, nước ta đang hòa nhập với nền kinh tế trên thế giới, gia nhập tổ chức kinh tế thế giới. Chúng ta cần phải thay đổi tư duy của mình không nên ăn Tết quá lâu.
Sau khi ăn Tết con người cần phải dẹp mọi lễ hội, chùa chiền để tập trung làm việc trở lại sau một kỳ nghỉ lễ dài ngày. Có như vậy, nền kinh tế đất nước mới trở nên ổn định, nâng cao chất lượng sống của mỗi con người. Nước ta mới trở thành một trong những con rồng của Châu Á.
Nguồn: Tài liệu văn mẫu